Khi cho ra đời quyển “The End of Nature - Ngày tàn của Thiên nhiên” cách đây 20 năm về trước, tác giả Bill McKibben tưởng rằng nếu ông chỉ nêu bật những nguy cơ đối với môi sinh, thì người ta sẽ hành động.
Ông nói: "Lúc ấy tôi chỉ mới có 27 tuổi đầu và vì thế vẫn còn khá ngây thơ. Tôi không thấu hiểu được rằng phải có những biến đổi văn hoá sâu xa dường nào mới có cơ may thành công, nếu một ngày nào đó, chúng ta thực sự muốn đối phó với những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu."
Từ dạo ấy, ông McKibben đã viết hàng chục quyển sách phân tích vấn đề biến đổi khí hậu từ nhiều góc cạnh. Tác phẩm mới nhất của ông là “Eaarth: Making Life on a Tough New Planet”, xin tạm dịch “Trái đất: Sống trên một Hành tinh khắc nghiệt hơn”. Trong tựa đề tiếng Anh, Earth (trái đất), tác giả cố tình viết với hai chữ a thay vì một chữ a, để theo lời ông “nhấn mạnh rằng hành tinh nơi mà nền văn minh nhân loại liên tục biến đổi, nay không còn nữa”.
Liên Hiệp Quốc ước lượng mỗi năm có khoảng 300.000 người thiệt mạng vì tác động của hiện tượng tăng nhiệt địa cầu. Biến đổi khí hậu là yếu tố làm tăng số người di dân và đưa đến các cuộc tranh chấp dân sự, biến đổi khí hậu cũng bị quy là làm tăng mức nghèo đói và bệnh tật trên thế giới.
Ông McKibben muốn Hoa Kỳ, nước gây ô nhiễm thứ nhì trên thế giới sau Trung Quốc, phải hành động quyết liệt hơn. Ông lưu ý rằng Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật về An ninh và Năng lượng Sạch” hồi năm 2009, đòi hỏi các công nghiệp Mỹ phải giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến 83% trong vòng 4 thập niên tới.
Tuy nhiên biện pháp này đã dậm chân tại chỗ tại Thượng viện Hoa Kỳ. Ông McKibben tin rằng phải trả một cái giá cho khí thải carbon:
"Nếu phải chi tiền ra để đền bù những thiệt hại do than, khí đốt và dầu hỏa gây ra, chúng ta sẽ sử dụng các nhiên liệu ấy ít hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ tìm những phương cách khác để thực hiện những gì cần làm."
Ông McKibben nói chuyển sang một nền kinh tế xanh, thuận lợi cho môi trường, sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.
Trong khi nhu cầu về năng lượng tái tạo đang tăng, các nguồn năng lượng ấy hiện chỉ đáp ứng được có 7% nhu cầu năng lượng của thế giới.
Ông cho biết: "Chúng ta sẽ phải thay đổi một số thói quen bởi vì các nguồn nhiên liệu ấy khác biệt về căn bản. Năng lượng tái tạo không tập trung ở một nơi như các loại nhiên liệu hóa thạch, mà rải rác khắp nơi. Chúng ta thì muốn có những trạm cung cấp nhiên liệu tập trung vào một nơi."
Ông McKibben cho rằng các nền kinh tế thế giới nên ngưng đặt trọng tâm vào việc phát triển, mà thay vào đó phải bắt đầu nghĩ đến sự sống còn của con người. Ông liệt kê 3 yếu tố thiết yếu cho sự sống trên một hành tinh khắc nghiệt hơn. Đó là lương thực, năng lượng và mạng internet.
Ông cổ vũ một nền nông nghiệp quy mô nhỏ, với những người láng giềng tạo điện năng cho láng giềng, và những cộng đồng được trao quyền thông qua mạng internet. Ông giải thích:
“Tôi tin rằng đó là yếu tố bất ngờ trong tương lai đối với chúng ta. Chúng ta cần phải sống tự túc trong nền kinh tế địa phương. Trong quá khứ làm như thế có nghĩa là đời sống chúng ta bị hạn chế trong phạm vi địa phương. Bây giờ thì khác. Mạng internet có thể được coi như một cánh cửa rộng mở để chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài. Chúng ta có thể duy trì những cuộc đối thoại về đủ mọi đề tài, và tạo điều kiện để trao đổi ý kiến với nhau.”
Ông McKibben lưu ý rằng cuộc tranh luận về vấn đề biến đổi khí hậu tại Hoa Kỳ bấy lâu nay vẫn gay gắt, và tập trung không chỉ vào khía cạnh khoa học mà còn vào ý thức hệ.
Ông nói: "Một tin vui từ những cuộc du hành của tôi trên khắp thế giới là tình trạng phân cực ấy về phần lớn chỉ có ở Hoa Kỳ. Các nước khác có thái độ chừng mực, trưởng thành hơn khi nói tới vấn đề biến đổi khí hậu. "
Bất kể điều mà ông coi là sự thất bại của cộng đồng quốc tế tại hội nghị Copenhagen bàn về biến đổi khí hậu hồi tháng 12 năm 2009, ông McKibben khẳng định hợp tác giữa các nước để đối phó với biến đổi khí hậu là điều thiết yếu:
"Yếu tố cản trở việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu là những bất công quá đỗi lớn và cái hố sâu chia cách giữa giàu nghèo, là điều có thể thay đổi hẳn tương lai của một người dựa trên nơi mà người ấy sinh sống. Chúng ta cần tìm ra một phương cách để chuyển giao tài nguyên, phần lớn dưới dạng công nghệ, từ bán cầu phía Bắc sang cho bán cầu phía Nam, để các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, hoặc các lục địa như Châu Phi có một cơ hội tương đối để phát triển, mà không phải trải qua thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch."
Ông McKibben nói ông cảm thấy được khích lệ về sự phát triển của các phong trào quần chúng hoạt động tích cực để bảo vệ môi sinh trên khắp thế giới, đặc biệt trong giới trẻ. Ông tin rằng các phong trào này sẽ gây áp lực tạo ra quyết tâm chính trị để giúp chúng ta cứu nguy quả địa cầu, và chính chúng ta, khỏi một tai họa lớn.
Thưa quý vị, ngày 22 tháng Tư là Ngày Trái Đất - Earth Day, và cũng như mọi năm ngày này được thế giới đánh dấu bằng nhiều sinh hoạt kêu gọi bảo vệ trái đất, môi trường sinh sống của chúng ta. Một số chuyên gia khuyến cáo hiện tượng tăng nhiệt địa cầu đang đặt ra nhiều thách thức đối với nền văn minh của nhân loại, với những thiên tai như hạn hán, lụt lội ngày càng nghiêm trọng, các trận bão lớn và mực nước biển ngày càng dâng cao. Ông Bill McKibben là một tác giả, một nhà giáo dục và cũng là một nhà hoạt động tích cực bảo vệ môi trường. Trong quyển sách mới nhất của ông, ông đưa ra một số lời khuyên về cách ứng phó để có thể xoay sở trên quả địa cầu với các điều kiện khắc nghiệt hơn. Mục Khoa học và Đời sống tuần này xin được dành để trình bày một số chi tiết dựa trên bài viết của thông tín viên Rosanne Skirble của Đài VOA.