Cuộc giao tranh bằng súng giữa quân đội trung thành với chính phủ và cảnh sát nổi loạn kéo dài khoảng 35 phút. Tin ghi có ít nhất một thành viên của lực lượng an ninh đã bị thương trong chiến dịch giải cứu.
Sau đó, vị tổng thống lâm nạn đã phát biểu trước một đám đông ủng hộ viên từ bao lơn dinh tổng thống. Ông cảm tạ họ về sự ủng hộ và nói ông tin rằng vụ nổi dậy là một mưu toan đảo chính.
Hôm qua, các xa lộ đã bị chận vì cảnh sát đốt vỏ xe, và các phi trường quốc tế ở Quito và Guayaquil đã phải tạm thời đóng cửa vì người biểu tình. Các trường học Ecuador đã cho học sinh về nhà vào buổi trưa và các lớp học hôm nay đã bị bãi bỏ.
Theo tường thuật của thông tín viên Greg Flakus trước đó, người biểu tình đã xô đẩy Tổng thống Correa khi ông tìm cách nói chuyện với họ bên ngoài một doanh trại cảnh sát ở thủ đô Quito. Một thùng hơi cay đã phát nổ gần chỗ tổng thống và khiến ông bị ngạt. Ông đã được đưa đến một bệnh viện, nơi ông nói với các phóng viên địa phương rằng người biểu tình có âm mưu đảo chính. Khi đám đông biểu tình bao vây bệnh viện, ông Correa thề quyết sẽ rời khỏi nơi đây trong tư cách tổng thống hoặc là một thây ma.
Những đám đông ủng hộ viên của ông Correa cũng xuống đường, ném đá vào cảnh sát chống đối. Có tin nhiều nguời bị thương và ít nhất 1 người thiệt mạng. Tổng thống Correa đã công bố tình trạng khẩn trương, giao cho quân đội trọng trách bảo vệ trật tự công cộng và đình chỉ các quyền tự do công dân.
Tư lệnh quân lực Ecuador, Tướng Ernesto Gonzalez, tuyên bố trung thành với tổng thống, nhưng ông cũng kêu gọi tạm ngưng thi hành bộ luật đã dẫn tới vụ nổi dậy. Trong một cuộc họp báo, tướng Gonzalez hô hào tái lập đối thoại, mà ông cho là phương sách duy nhất để đồng bào của ông có thể giải quyết các bất đồng.
Bộ luật dẫn tới vụ nổi dậy của cảnh sát cắt giảm tiền thưởng cho cảnh sát và binh sĩ khi được thăng cấp. Cảnh sát biểu tình và một số đơn vị quân đội đã chiếm đóng trụ sở Quốc hội và phi trường Quito. Cũng đã có tin về những vụ hôi của ở cả Quito lẫn thành phố cảng Guayaquil bên bờ Thái bình dương.
Tuy nhiên, cho đến giờ này, vụ bạo động không có ảnh hưởng đến khu vực dầu khí của quốc gia nhỏ bé này. Binh sĩ canh gác các cơ sở của công ty dầu quốc doanh PetroEcuador và những người phát ngôn của công ty cho biết các hoạt động vẫn tiếp tục. Ecuador là một trong các nước sản xuất dầu nhiều nhất ở Nam Mỹ và là một thành viên của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu, còn gọi tắt là OPEC. Thu nhập về dầu khí đem lại cho Ecuador khoảng phân nửa lợi tức xuất khẩu và khoảng 1/3 tổng số thu nhập thuế.
Nhưng mức chi của chính phủ trong mấy năm vừa qua đã vượt quá lợi tức thu vào. Tổng thống Correa là một đồng minh của ông Hugo Chavez, Tổng thống tả khuynh của Venezuela. Ông Correa từng lãnh đạo cái ông gọi là ‘cuộc cách mạng của công dân’ để lên nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006, rồi bắt đầu khẳng định sự kiểm soát của nhà nước đối với các tài nguyên thiên nhiên.
Hồi tháng 7, ông khởi sự việc tái thương nghị các hợp đồng với các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động theo các hợp đồng ở Ecuador trong nỗ lực gia tăng thu nhập cho chính phủ. Ông Correa đã tìm cách tăng cường sự hỗ trợ cho các chương trình xã hội bằng lợi tức thu được qua việc đánh thuế dầu khí.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi dân chúng Ecuador hãy hợp lực trong khuôn khổ các cơ chế dân chủ để giải quyết vụ khủng hoảng một cách êm thắm. Liên hiệp quốc, Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, và các chính phủ trong khắp khu vực đã lên án bạo lực và lên tiếng ủng hộ chính phủ được bầu lên một cách dân chủ.
Quân đội Ecuador đã xông vào một bệnh viện ở thủ đô Quito hồi xế hôm qua và giải cứu Tổng thống Rafael Correa đang bị dồn ép và bao vây bởi nhóm cảnh sát nổi loạn phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ. Quân đội đã hộ tống ông Correa ra khỏi bệnh viện sau một cuộc nổ súng với cảnh sát nổi loạn. Từ thủ đô Ecuador, thông tín viên VOA Ralph Kurtenbach gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1