Như nhiều gia đình khác tại Cairo, các bà Nadia, Soheir và ông Ahmed chưa bao giờ để ý nhiều đến các tội phạm. Tuy nhiên năm nay, bất cứ quan tâm nhỏ nào cũng có thể trở thành một vụ báo động lớn.
Bà Nadia, một nhân viên ngành du lịch, 40 tuổi nói từ khi xảy ra cuộc cách mạng, vấn đề an toàn và an ninh không còn nữa. Bà kể lại chuyện một người bà con đang lái xe trên một đường phố hồi tháng trước, đã bị những kẻ mang mặt nạ trang bị súng máy phục kích. Ông này thoát nạn, không bị thương, nhưng xe và các vật dụng tùy thân bị cướp mất.
Bà Nadia nói đó là những tội phạm mới điển hình tại Ai Cập bây giờ, gồm cả các tội khác như bắt cóc chẳng hạn. Bà nói bạo động đã trở thành một hiện tượng.
Chị bà là bà Soheir đồng ý. Là một bà nội trợ ở tuổi 50, bà Soheir nói bà lo ngại về các vụ kẻ lạ đột nhập vào tư gia. Bà lo ngại đến nỗi gia đình bà cư ngụ tại một vùng ngoại ô Cairo, phải cho lắp cửa trước bằng kim loại được gia cố.
Tuy nhiên mối lo ngại chính của bà Soheir là về người con trai tên Ahmed, thường phải di chuyển trong tư cách là một kỹ sư cơ khí. Bà nói bà biết việc này làm con bà bực mình, nhưng bà thường xuyên kiểm soát khi con trai bà phải đi lại ngoài đường.
Nỗi quan tâm về tội phạm dâng cao đến mức Thống chế Mohamed Hussein Tantawi, lãnh đạo hội đồng quân sự cầm quyền hiện nay, đã viện nỗi lo sợ đó để biện minh cho quyết định trong tuần này, hồi sinh luật khẩn cấp, vốn bị nhiều người ghét bỏ.
Ông nói rằng nhiều bà vợ đã bị bắt cóc trên đường phố ngay trước mắt các ông chồng.
Tuy nhiên sự trầm trọng của hiện tượng tội phạm leo thang lên tới mức nào? Theo một phúc trình của tổ chức nghiên cứu Abu Dhabi Gallup thì hiện tượng này không trầm trọng cho lắm.
Phúc trình này nói trong khi nỗi sợ hãi về tội phạm tăng nhanh trong thời kỳ hậu cách mạng, con số tội phạm được ghi nhận vẫn như cũ.
Như thế điều gì đang xảy ra? Nhà xã hội chính trị học Said Sadek của trường đại học American ở Cairo tin rằng Ai Cập đã trở nên bớt an toàn hơn trước.
Ông Sadek nói: “Khi một cuộc cách mạng xảy ra, hệ thống an ninh thường sụp đổ. Chính phủ trung ương trở nên suy yếu. Nền kinh tế cũng yếu kém. Do đó lẽ tự nhiên là sau cách mạng, sẽ có một giai đoạn bất ổn và vấn đề an ninh được đặt ra. Vấn đề ở đây là một sự thổi phồng.”
Ông Sadek đổ lỗi cho giới truyền thông về sự thể này. Không phải chỉ loan các tin giật gân để hy vọng chiếm thêm thị phần, mà còn các nghị trình chính trị, cũng là yếu tố quan trọng.
Nhiều người hay cơ quan truyền thông vẫn còn có những liên hệ với chính phủ cũ, và bất cứ sự bất ổn nào cũng là cơ hội để các lực lượng phản cách mạng này gây ồn ào, để phương hại đến những thông điệp của phe cách mạng.
Ngoài ra còn có câu hỏi là mức độ tội phạm trước đây ra sao. Ông Sadek nói giới lãnh đạo chế độ tiền nhiệm đã tìm cách che dấu những con số thống kê không tích cực.
Tuy nhiên ít nhất là trong những câu chuyện được loan truyền, Cairo thường được xem là an toàn hơn so với các thành phố chính khác, một phần nhờ bàn tay cứng rắn của chế độ quân đội và công an trị trước đây.
Ngoài ra còn có nghi vấn về vai trò của cảnh sát tại Ai Cập. Ông Sadek thuộc trường đại học American tại Cairo nói:
“Hãy nhớ chúng ta có một lực lượng cảnh sát mà trong một thời gian dài chỉ tỏ ra hữu hiệu trong các vấn đề chính trị. Trong khi phải đối phó với vấn đề tội phạm, tội phạm thông thường thôi thì cảnh sát không mấy hữu hiệu, nhiều người phải trả tiền để được cảnh sát giúp, hay chú ý đến trường hợp của họ.”
Anh Ahmed, con bà Soheir, người mà bà nói làm bà lo âu mỗi khi anh lái xe ngoài đường, đồng ý rằng thái độ của cảnh sát, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, ảnh hưởng tới số tội phạm mà người ta báo cáo.
Anh Ahmed nói: “Mọi người biết rằng không có sự hiện diện của các lực lượng an ninh, và ngay cả khi họ báo cáo một tội phạm, sẽ không có hành động nào được đưa ra để giải quyết vụ đó. Cho nên cơ bản là họ tránh để khỏi gặp phiền phức phải hoàn tất các thủ tục. Và họ quay sang dùng những phương cách khác, như tự bảo vệ lấy mình.”
Đối với anh Ahmed, điều đó có nghĩa là xin giấy phép để mang một khẩu súng.
Trong những tháng từ khi xảy ra cuộc nổi dậy của quần chúng, nhiều người dân Ai Cập thấy cái giá phải trả cho cuộc cách mạng - là sự an toàn cá nhân. Thông tín viên Đài VOA Elizabeth Arrott tại Cairo tường trình rằng cảm giác an ninh trong giai đoạn sau chế độ Tổng Thống Mubarak tại Ai Cập đã suy giảm.