Đường dẫn truy cập

Emmanuel Macron, tân Tổng thống Pháp - Cơ hội và Thách thức


Ảnh tư liệu - Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau khi nhậm chức tại Điện Elysee, Paris ngày 14/05/ 2017.
Ảnh tư liệu - Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau khi nhậm chức tại Điện Elysee, Paris ngày 14/05/ 2017.

Hôm Chủ nhật 7 tháng 5, ông Emmanuel Macron đánh bại đối thủ chính trị Marine Le Pen trong vòng nhì cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, giành thắng lợi áp đảo để trở thành vị Tổng thống thứ 25 của Cộng hòa Pháp.Năm nay 39 tuổi, ông Macron trở thành chủ nhân điện Elysée trẻ tuổi nhất tính từ thời Napoleon, một thành tích khó ai có thể tin được cách đây chỉ một năm. Sau chiến thắng lịch sử, ông Macron tuyên bố “lịch sử đã sang trang”, ông bày tỏ hy vọng trang sử mới sẽ mở ra với niềm hy vọng và tự tin mà nước Pháp đã đánh mất từ lâu.

Ông Macron là ai? Cương lĩnh hành động của ông là gì? Viễn kiến của ông về thế đứng của nước Pháp trong Liên hiệp Âu châu và thế giới ra sao? Đâu là những thách thức cấp bách nhất mà ông phải đối đầu? Mời quý độc giả tìm câu giải đáp qua câu chuyện giữa Hoài Hương của VOA-Việt ngữ và cựu Giáo sư trường Đại học Paris VII, Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, sau đây.

please wait

No media source currently available

0:00 0:09:32 0:00


Sau khi đánh bại đối thủ thuộc cánh cực hữu, nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của Pháp từ thời Napoleon sẽ khởi sự một hành trình cam go hướng tới việc thực hiện các mục tiêu mà ông đã đề ra trong thời gian vận động tranh cử. Ông Macron, nhân vật được báo chí mô tả là “người đàn ông vội vã” muốn thay đổi nước Pháp, là ai?

GS Nguyễn văn Huy:

“Ông Emmanuel Macron là một nhân vật rất mới xuất hiện trên chính trường Pháp cách đây 1 năm thôi. Ông Emmanuel Macron đầu tiên là môt chuyên viện về ngân hàng, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Hành chánh của Pháp, rồi sau đó tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị, tương đương với Trường Chính trị Kinh doanh của Việt Nam. Sau đó ông làm việc trong một ngân hàng rồi từ đó nhờ có những sáng kiến mới và nhờ quen biết, ông được giới thiệu làm việc với Tổng thống Francois Hollande.”

Trong thời gian làm cố vấn Tổng thống, sau khi một bộ trưởng bất đồng với ông Hollande từ chức, ông Macron được mời lên thay thế ông này trong cương vị Bộ trưởng kinh tế. Nhưng chỉ sau vài tháng, ông Macron từ chức, khởi đầu một tiến trình đưa sự nghiệp chính trị của ông rẽ sang một hướng khác. Giáo sư Nguyễn văn Huy giải thích:

“Ông Macron nhận thấy cái đường lối thiên tả của Đảng Xã hội nó không thích hợp với tình hình của Pháp hiện tại thành ra ông Macron từ chức và từ đó cái tham vọng làm Tổng thống của ông bắt đầu nảy nở. Từ tháng Ba năm 2016, ông bắt đầu đi vận động khắp nơi. Ông đã kết hợp được rất nhiều chính trị gia của cả hai đảng, tức là Đảng Xã hội và Đảng Cộng hoà.”

Một chính khách không khuynh tả hay khuynh hữu mà vẫn thu hút được đông đảo người ủng hộ từ cả hai thành phần bảo thủ và ủng hộ cải cách. Nhiều người tăm tiếng đã ủng hộ đường lối trung hòa của ông Macron để đưa phong trào Tiến Bước của ông đi lên. Giáo sư Huy nói lý do chính là bởi vì họ nhận thức được phải có đổi mới trong sinh hoạt chính trị nước Pháp.

“Hiện nay mấy người lãnh đạo Đảng Xã hội và Đảng Cộng hoà thấy rằng với cái đường lối cứng ngắc của họ từ hơn 60 năm nay thì nước Pháp không thể nào thoát khỏi cái vòng bế tắc, thành ra họ đã dồn hết phiếu ủng hộ và cố vấn cho ông Emmanuel Macron cuộc đua tranh chức tổng thống.”

Có lẽ vì lý do đó mà một ngày sau khi đắc cử và trở thành ông chủ điện Elysée trẻ tuổi nhất từ thời Napoleon, ông Macron đổi tên phong trào En Marche! Tiến Bước! của ông thành “La République en Marche”, tức “Nước Cộng hòa Tiến Bước”.

Cử tri Pháp bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron có thể hiểu là đồng nghĩa với bác bỏ viễn kiến của đối thủ ông bên đảng cực hữu Front National, bà Marine Le Pen, vốn chủ trương chống toàn cầu hóa, chống di dân, theo đuổi chính sách co cụm, nước Pháp dành cho người Pháp theo chính sách có thể mô tả là bế quan tỏa cảng, những chủ trương đã gây lo ngại cho một số chính khách quốc tế, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trước cuộc bầu cử, ông Obama kêu gọi cử tri Pháp dồn phiếu cho ông Macron và cảnh giác họ hãy đề cao cảnh giác chống các chính sách mị dân theo dân tộc chủ nghĩa.

Hai nước Pháp: bảo thủ và cải cách, hướng nội và hướng ngoại

Liệu cử tri Pháp đã rút tỉa ra một bài học từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái? Tiến sĩ Nguyễn văn Huy nói cuộc bầu cử ở Mỹ không có ảnh hưởng lớn tới cuộc bầu cử Pháp, mà chủ yếu là sự giằng co giữa hai xu hướng, một bên có tính cách hoài niệm muốn hồi sinh một quá khứ huy hoàng và một đàng quan niệm nước Pháp phải hướng về tương lai, phải cải cách để tiến lên với thời đại.

GS Nguyễn văn Huy:

“Dân chúng Pháp trong suốt 60 năm từ sau Đệ nhị Thế chiến cho tới bây giờ đã chán nản với những chính sách mà không có đem gì mới cho nước Pháp hết, và đồng thời đã tạo ra một lớp người ỷ lại, tức là chỉ mong chờ nhà nước nuôi mình thôi chứ không muốn làm gì hết. Rồi trong đó những phe thiên tả họ đã lạm dụng vai trò của họ như là nghiệp đoàn hay những nhóm vận động quần chúng để làm áp lực, xin chính phủ cung cấp cho họ phương tiện thật nhiều để mà họ sinh sống, trong lúc đó thì họ không muốn đóng góp gì hết. Những thành phần này đã tạo ra một nếp sống không khuyến khích cố gắng cá nhân, và vì vậy có một sự xung đột giữa hai xu hướng: một bên muốn phát triển, phần lớn là giới trẻ nhận ra rằng nước Pháp ngày nay là một cường quốc kinh tế nhưng chỉ có một thành phần nào đó được hưởng mà thôi, còn đa số còn lại thì họ không muốn đáp ứng cái trào lưu tiến hóa của toàn cầu, tức là phong trào toàn cầu hóa.”

Sự chia rẽ này, theo GS Nguyễn văn Huy, đã khiến nước Pháp chia thành hai khối, “một khối muốn nước Pháp vươn lên, còn phía kia thì muốn nước Pháp co cụm lại để tiếp tục hưởng thụ những gì mà chính phủ Pháp có thể cho họ.”

“Họ tạo ra một cái tâm lý mà cho đến ngày nay đã qua thế hệ thứ 2, thứ 3 rồi mà con cháu họ vẫn nghĩ nước Pháp phải có nhiệm vụ nuôi họ. Nó gây ra một tình trạng mà có những người chỉ muốn ăn bám xã hội. Điều này gây ra bất mãn trong người Pháp, những người làm ăn, cố gắng như những người nông dân hoặc những công nhân ở thành phố họ thấy rằng họ làm lụng rất là vất vả mà trong suốt thời gian qua họ thấy lợi tức của họ làm ra thì để nuôi những người nước ngoài. Thành ra khi ông bố của bà Marine Le Pen phát động phong trào nước Pháp cho người Pháp thì họ thấy đây là đúng tại vì mình người Pháp mà không được hưởng quyền lợi, thành ra họ ủng hộ.”

Thắng lợi của Macron là thắng lợi cho EU

Ông Macron là người triệt để ủng hộ Liên hiệp Âu châu, trong khi đối thủ của ông trong Mặt Trận Dân tộc muốn Pháp tách ra khỏi EU. Ở ngã ba đường, cử tri Pháp đã lựa chọn. Nhìn từ khía cạnh đó, thì thành công của ông Macron là một thắng lợi cho EU?

GS Nguyễn văn Huy:

“Thưa đúng, nước Pháp hiện nay có một phe cực hữu của bà Marine Le Pen, bà vận động đuổi người ngoại quốc ra khỏi nước Pháp, để nước Pháp chỉ giành cho người Pháp mà thôi. Nhưng cái nguy hiểm của Mặt trận cực hữu là họ chủ trương đuổi hết những người ngoại quốc và đem lại nước Pháp cho người Pháp thành ra nó gây ra phản ứng lo lắng. Cái tiêu chí thứ hai của bà Le Pen là làm sao phải ra khỏi Liên hiệp châu Âu tương tự như Brexit của nước Anh. Phong trào này gây ra lo lắng là vì có một số người trình độ dân trí không cao, những người bình dân họ thấy nếu mà ra khỏi EU thì mình cũng sống như ngày xưa, nước Pháp hùng mạnh, mình sống với mình và không phải nuôi người ngoại quốc. Nhưng đây là một kiểu mị dân, những người có học, những người trí thức và những người ưu tư về tương lai nước Pháp thì họ thấy đây là một sự mị dân và họ đã dồn phiếu cho ông Macron.”

Theo Giáo sư Huy thì nước Pháp dưới quyền lãnh đạo của Emmanuel Macron sẽ lấy lại uy thế là một đầu tàu của Châu Âu bên cạnh nước Đức.

“Tôi nghĩ với tân Tổng thống Emmanuel Macron thì vai trò làm đầu tàu của Châu Âu sẽ phục hồi. Nước Pháp sẽ cùng nước Đức sẽ cùng nhau lãnh đạo Châu Âu và sẽ có những chính sách chung. Tôi nghĩ ban lãnh đạo của Macron là những người trẻ, có nhiều sáng kiến hơn, khác những người cũ. Ông Macron là người trẻ, thông minh, tôi nghĩ ông ta sẽ thấy những điều cần phải làm để trước nhất giúp nước Pháp vượt qua khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, đồng thời có một tiếng nói mạnh hơn trên chính trường quốc tế. ”

Thách thức lớn lao trước mắt

Bây giờ Emmanuel Macron đã được chính thức trao quyền, ông phải nhận lãnh trọng trách vô cùng lớn lao để lèo lái con thuyền quốc gia trong một thế giới có nhiều bấp bênh, đâu là những thách thức cấp bách nhất mà ông phải đối mặt?

GS Nguyễn văn Huy:

“Thách thức trước tiên là trong vòng 1 tháng tới sẽ xảy ra một cuộc bầu cử quốc hội để lập ra một chính phủ để mà lãnh đạo nước Pháp. Đây là một vấn đề lớn, lo lắng lớn của mọi người và cả ông Macron bởi vì đảng Tiến Bước của ông mới thành lập cách đây l năm hiện nay chưa có người nào trong quốc hội hết.”

Đảng “La Republique En Marche” quy tụ cả những người cánh hữu lẫn cánh tả, trong số đó có một số chính khách có thành tích đáng kể và các nhân vật có tiếng tăm trong xã hội, chẳng hạn như cựu Thủ Tướng Manuel Valls, người đã tuyên bố sẵn sàng gia nhập đảng của ông Macron.

Nhưng một số các quan chức cũ có thể gặp sự chống đối của một bộ phận cử tri, vì trong thời gian qua, một số chính khách nhiều tai tiếng đã đánh mất niềm tin của dân, khiến cử tri Pháp xa lánh, và chọn gửi lá phiếu của mình cho các ứng viên hoàn toàn mới.

Phong trào En Marche của ông Macron còn phải đối đầu với một thách thức khác, là làm sao phân bố được đủ người ra dự tranh để giành đa số ghế dân biểu trong tất cả 577 ghế trong quốc hội sắp tới, trong khi đảng của ông chỉ mới được thành lập có 1 năm? GS Nguyễn văn Huy thừa nhận đây là một vấn đề rất khó khăn cho tân Tổng thống Macron.

Ngoài ra, ông Macron lên nắm quyền vào lúc mà nước Pháp trở thành mục tiêu bị khủng bố tấn công thường xuyên. GS Nguyễn văn Huy nói nhiều người coi đây là một điểm yếu của ông Macron.

“Một số dư luận vẫn nói đây là một Tổng thống văn phòng, nghĩa là một người chỉ nghĩ về vấn đề kinh tế và tài chánh chứ về vấn đề quản trị ngoại giao quốc tế, chiến tranh với chống khủng bố thì không phải lãnh vực của ông, nhưng người ta quên rằng nước Pháp không chỉ có một ông Macron mà có một quân đội. Quân đội của Pháp và tình báo của Pháp là một trong những ngành hiện đại nhất thế giới, có thể thua nước Mỹ nhưng với Châu Âu, có thể nói là số Một hoặc ngang bằng với Anh. Ông Macron sẽ có một ‘hậu phương’ tức là những tướng lãnh và cố vấn quân sự sẽ giúp ông để có một cái nhìn chính xác hơn về tình hình thế giới và nhất là cuộc chiến tranh chống khủng bố mà cả Châu Âu phải đối đầu.”

Một thách thức khác mà tân Tổng thống Pháp phải đối mặt là cải cách thị trường nhân dụng, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn rất cao trong nước. Đúng một ngày sau khi đắc cử, các nghiệp đoàn đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ để khuyến cáo ông Macron chớ đụng đến quyền lợi của giới lao đông. GS Nguyễn văn Huy cho rằng đây là một thách thức rất lớn nhưng kinh tế là điểm mạnh của ông Macron.

“Tài năng của Tổng thống Macron là kinh tế tài chánh. Tôi nghĩ rằng với chính sách của ông làm sao phục hồi lại các xí nghiệp, đây là một chủ trương được tất cả những nhà kinh tế ủng hộ. Tại sao có nhiều người thất nghiệp? Tại vì các xí nghiệp không tuyển người. Tại sao không tuyển người? Tại vì hệ thống luật pháp nó ràng buộc đến đỗi không ai dám mướn người hết. Mướn một người rất khó khăn, mà sa thải họ còn khó khăn gấp 10 lần tại vì phải đúng luật nếu không bị phạt rất nặng. Chính vì vậy mà người ta sợ. Trong suốt 8 năm qua, tất cả các nước khác đều qua mặt nước Pháp, vì mặc dù công việc nước Pháp cần rất là nhiều, hiện nay có tới 500,000 việc làm không có người làm, không ai dám tuyển hết.”

Tuy vậy, GS Nguyễn văn Huy vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng nền kinh tế Pháp và vào khả năng của ông Macron mà ông cho là một chính khách ‘trẻ, rất thông minh’.

“Với ông Emmanuel Macron thì bài toán tôi nghĩ sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng tại vì chưa gì hết mà các thị trường chứng khoán đã bắt đầu phấn khởi. Các công ty xí nghiệp đã hứa hẹn sẽ đầu tư vào nước Pháp, nhất là sau vụ Brexit, tất cả các công ty Anh họ đang nhìn vào nước Pháp như một địa bàn mà họ sẽ vào để lập xí nghiệp, họ kiếm tiền và cũng giúp nước Pháp tiến lên.”

Khi bài này đến với quý độc giả VOA, thì quyền hành đã chính thức trao tay ở Pháp. Tân Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền trong bối cảnh nước Pháp vẫn chưa hết chấn động tiếp theo sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris, ở Nice, và gần đây hơn, ngay tại đại lộ Champs Elysee. Trong những ngày sắp tới, dư luận sẽ theo dõi cách thức ông giải quyết những vấn đề lớn như phát triển kinh tế, cải cách lao động, củng cố an ninh và tăng khả năng quốc phòng, nhưng có lẽ một nhiệm vụ khó khăn không kém là làm thế nào đoàn kết dân chúng sau một loạt vụ tấn công khủng bố, và thuyết phục họ đừng ngả vào vòng tay rộng mở của cánh cực hữu và những phong trào mị dân.

Giáo sư Nguyễn văn Huy trước đây giảng dạy tại trường Đại học Paris 7, từng nắm chức vụ lãnh đạo trong các công ty tư cũng như hệ thống công quyền Pháp. Ông tự xưng là ‘một người Việt tỵ nạn cộng sản đã ở Pháp 34 năm’, nhưng vẫn hướng nhìn về quê hương và theo sát các diễn biến trong nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG