Tuyển thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ Enes Kanter Freedom trở thành mục tiêu tấn công của nhiều người dùng mạng xã hội từ Việt Nam sau khi lên tiếng về sự đàn áp nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á cũng như kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải bị quy trách nhiệm.
Freedom, tuyển thủ của đội Boston Celtics trong giải NBA nổi tiếng với hoạt động cổ vũ dân chủ và nhân quyền, mới đây đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội của mình, gồm Facebook, Twitter và Instagram, trong đó nói rằng “hàng trăm người bảo vệ nhân quyền và nhà báo đang gặp nguy, bị sách nhiễu hoặc bị đàn áp ở Việt Nam.”
Tuyển thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người từng lên tiếng mạnh mẽ về sự đàn áp nhân quyền ở Tân Cương và chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng ở Việt Nam “không có tự do biểu đạt, không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí.” Anh kêu gọi các fan hâm mộ và những người cổ vũ cho dân chủ “hãy đứng lên vì Nhân Quyền ở Việt Nam.”
Trong các đăng tải trên trang mạng xã hội, Freedom – người cũng kêu gọi tự do cho Ukraine, Tây Tạng và dân chủ cho Hong Kong, Myanmar – nói rằng ông “Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản phải bị quy trách nhiệm!”
Kèm theo lời kêu gọi về nhân quyền cho Việt Nam, cầu thủ Freedom – người có cha bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ giam cầm và từng công khai gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là “Hitler của thế kỷ” – còn đăng tải hình ảnh những chiếc giày có các họa tiết vẽ bằng tay cho thấy sự đàn áp đối với tự do và dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á.
Những chiếc giày được vẽ hình ảnh người dân bị còng tay, bị bịt miệng hay công an cắt xẻo chữ “Dân chủ” (Democracy). Một trong những chiếc giày đó được ghi “Chỉ có thể giam cầm được thể xác, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi một chiếc khác có hình vẽ bản đồ Việt Nam bị kẹp trong chiếc còng số 8.
Trước đây Freedom đã có những đôi giày thiết kế riêng cho anh với các hình ảnh kêu gọi tự do dân chủ cho Trung Quốc, Myanmar, Belarus, Ukraine, Sudan hay Nicaragua. Anh từng mang đôi giày kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh trước những cáo buộc vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Việt Nam thường bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và cả các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, chỉ trích về sự đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản, hiện đang là đảng duy nhất nắm quyền ở Việt Nam. Báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Việt Nam “là một nhà nước độc tài do một đảng cai trị” và cũng cho rằng bất cứ ai chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường trở thành mục tiêu của các dư luận viên do nhà nước đài thọ, thường được gọi là Lực lượng 47. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam luôn phủ nhận các cáo buộc về nhân quyền hay có giam giữ tù nhân lương tâm và nói rằng mọi người dân đều được đảm bảo quyền con người.
Trước những đăng tải kêu gọi tự do và dân chủ cho Việt Nam cũng như chỉ trích người đứng đầu Đảng Cộng sản, Freedom bị nhiều người dùng mạng xã hội và lực lượng dư luận viên từ Việt Nam tấn công bằng những chỉ trích ngược lại đối với cầu thủ nhà nghề Mỹ.
Trên cả Facebook, Twitter và Instagram, những người dùng mạng Việt Nam cho rằng Freedom, người sinh ra ở Thụy Sĩ nhưng lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ và tới sống ở Mỹ năm 2009 khi 17 tuổi, “không biết gì về Việt Nam” và rằng anh “bị tuyên truyền về thứ nhân quyền” của phương Tây nên “không có tư cách nói chuyện với Việt Nam chúng tôi về nhân quyền.”
Một người dùng Facebook có tên Trương Thế Hùng viết bằng tiếng Anh rằng: “Thật nực cười khi đánh giá về một đất nước mà bạn chưa bao giờ tới. Hãy đến Việt Nam, bạn sẽ biết đất nước chúng tôi thanh bình và tự do như thế nào. Đừng suy luận dựa trên cái đó.”
Một vài trong số họ ca ngợi Đảng Cộng sản và cho rằng “Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới” trong khi một số người khác gợi lại những gì mà binh lính Mỹ gây ra cho người dân Việt Nam trong chiến tranh.
Trong phần lớn những phản ứng của người dùng mạng xã hội và dư luận viên từ Việt Nam là những tấn công dữ dội bằng lời nói đối với Freedom. Họ đưa ra những lời nói thô tục và so sánh anh với con vật cũng như bảo anh “câm miệng lại” hay thậm chí đe dọa “chặt xác” của anh.
VOA đã liên hệ với Freedom, người chọn tên họ có nghĩa “Tự do” khi trở thành công dân Mỹ vào năm ngoái, để xin bình luận của anh trước những phản ứng từ người dùng mạng Việt Nam nhưng chưa được hồi đáp.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với Stella Hsu của VOA, Freedom, người từng bị Thổ Nhĩ Kỳ thu hồi hộ chiếu vì lên tiếng chỉ trích tham nhũng của chính quyền Tổng thống Erdogan, cho biết quốc gia quê hương của anh đã cấm tài khoản Twitter của anh cũng như kiểm duyệt các trận đấu bóng rổ có sự xuất hiện của anh. Nhà nước Trung Quốc cũng kiểm duyệt các trận đấu của Boston Celtic và tên của anh không được tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm ở quốc gia Cộng sản này.
Giải thích về lý do trở thành một nhà hoạt động vì tự do dân chủ và nhân quyền trong khi chơi tại giải nhà nghề Mỹ, Freedom nói với The Atlantic rằng anh “lắng nghe những nạn nhân và đứng lên đoàn kết với những người bị áp bức... Nhân quyền và dân chủ đang bị đe dọa. Trên toàn thế giới, các lãnh đạo độc tài đang trở nên mạnh mẽ hơn.” Freedom nói rằng anh đã xuống đường biểu tình, phát biểu trên diễn đàn, sử dụng tiếng nói của mình để “lên tiếng cho những nạn nhân của bạo lực độc tài.”