Các nhà lãnh đạo của 19 nước trong khu vực sử dụng đồng euro sẽ mở một cuộc họp cấp cao khẩn trương vào ngày thứ Hai tới để tìm cách khai thông một vụ bế tắc về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, sau một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Âu châu ở Luxembourg. Cả hai bên đang chạy đua trước một kỳ hạn đã định là ngày 30 tháng này.
Các giới chức trong khu vực sử dụng đồng euro đã hối thúc Hy Lạp nắm lấy cơ hội cuối cùng trong việc giải quyết vụ khủng hoảng nợ và nói rằng hành động kế tiếp tùy thuộc vào chính phủ ở Athens. Chủ tịch khối euro Jeroen Dijsselbloem đưa ra thông điệp vừa kể tại một cuộc họp báo ở Luxembourg sau nhiều giờ thảo luận mà không đi đến kết cục với bộ trưởng tài chính Hy Lạp.
“Hôm nay trong cuộc họp của chúng tôi, chúng tôi đã gửi đi một tín hiệu mạnh cho giới hữu trách Hy Lạp rằng thực sự mọi việc tùy thuộc vào họ phải đệ trình các đề nghị mới, các đề nghị bổ sung trong những ngày sắp tới… Tính đến hôm nay, vẫn còn chưa tìm ra được một thỏa thuận để gia hạn chương trình hiện hành trước cuối tháng này, nhưng quả bóng rõ ràng đang nằm trong sân của Hy Lạp để nước này nắm lấy cơ hội đó”.
Không có biện pháp khả tín
Thông điệp tương tự cũng phát xuất từ người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde. Hy Lạp sẽ không trả được khoản nợ 1,7 tỷ đôla cho IMF nếu không đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ trong những ngày sắp tới.
Bà Lagarde nói IMF đang chờ đợi, các cơ chế đã sắp xếp một số đề nghị rất hợp lý với tính cách rõ ràng là dễ dãi hơn nhiều so với những gì đã được cứu xét trước đây.
Các giới chức Âu châu muốn có thêm những biện pháp cải cách từ phía Athens trước khi họ đồng ý giải ngân thêm những khoản cứu nguy – những cải cách mà chính phủ chống kiệm ước này bác bỏ. Nếu luồng tài chính không đổ vào thì Hy Lạp có thể không có khả năng trả được món nợ của IMF trước kỳ hạn 30 tháng 6.
Hôm qua, các giới chức của IMF và châu Âu cho hay họ đã linh động nhưng chính phủ Hy Lạp không đưa ra được các đề nghị khả tín để đáp lại.
Khác biệt quan điểm
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đề nghị một quan điểm khác về các cuộc đàm phán.
“Phía chúng tôi đã gửi một tín hiệu mạnh cho các đối tác của chúng tôi và cho các cơ chế qua việc trình bày một đề nghị toàn diện có thể giải quyết được vụ khủng hoảng của Hy Lạp một cách dứt điểm, trong một thời gian ngắn”.
Ông nói hai bên đã đi gần đến một thỏa thuận, nhưng thất bại bởi vì các nhà thương thuyết về phía bên kia không có đủ quyền hạn để đạt được một thỏa thuận.
Trong tình hình các cuộc đàm phán không đi đến đâu, những lời cảnh báo đã trở nên mãnh liệt hơn. Hôm thứ Tư, ngân hàng trung ương Hy Lạp dự báo có thể sẽ xảy ra sự kiện đau lòng là Hy Lạp rút ra khỏi khu vực euro và thậm chí ra khỏi cả Liên hiệp châu Âu. Ông Dijsselbloem nói liên hiệp sử dụng đồng euro cam kết giữ Hy Lạp như một thành viên, nhưng "sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống”.