Vấn đề được đưa ra bàn thảo là một sự thúc đẩy mạnh của Đức đòi thay đổi một hiệp định chủ yếu của Liên hiệp Châu Âu (EU) nhằm củng cố việc quản trị kinh tế. Mục đích là ngăn tránh những vụ khủng hoảng tài chính như vụ do Hy Lạp châm ngòi hồi đầu năm này và bảo đảm các thành viên có khó khăn về tài chính không quỵt nợ.
Bà Ilaria Maselli là một chuyên gia phân tích kinh tế thuộc Trung tâm Khảo cứu Chính sách Âu Châu tại Brussels. Bà cho rằng vụ khủng hoảng ở Hy Lạp đã gửi một tín hiệu đặc biệt mạnh mẽ cho 16 quốc gia EU cùng sử dụng đồng euro.
Bà Maselli cho biết: “Nếu ta xét rằng Hy Lạp chỉ chiếm 2% đến 3% GDP của toàn khu vực EU và cho dù đó là một tỷ lệ rất nhỏ mà đã gây ra một vụ khủng hoảng trong toàn vùng sử dụng đồng euro, thì vấn đề là đích xác trong hệ thống euro hiện thời, không có điều khoản nào để đáp ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.”
Trong một cuộc họp thượng đỉnh hồi đầu tháng này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi cải tổ các quy định về tài chính của EU. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ủng hộ đề nghị đó. Đức và Pháp lâu nay vẫn được coi là các động cơ của Châu Âu, thúc đẩy khối EU gồm 27 thành viên.
Chủ tịch thường trực của EU, ông Herman van Rompuy hôm thứ tư tuyên bố điều cấp thiết là một cơ chế mới phải thay thế cho quỹ khủng hoảng khẩn cấp 1 tỷ tỷ đôla vừa được thành lập trong năm nay. Quỹ này sẽ đáo hạn vào năm 2013.
Ông Van Rompuy phác thảo các đề nghị của một lực lượng đặc nhiệm EU bao gồm việc theo dõi tốt hơn các nền kinh tế Âu Châu và quản lý tốt hơn vấn đề tài chính công để ngăn tránh những vụ khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Nhưng Đức còn muốn đi xa hơn nữa – và viết lại Hiệp ước Lisbon để bao gồm những quy định gắt gao hơn về tài chính. Hiệp ước này mới có hiệu lực hồi năm ngoái chỉ sau những cuộc thương nghị và những rắc rối kéo dài. Và đó là một lý do vì sao nhiều thành viên EU né tránh.
Bà Ilaria Maselli giải thích: “Vấn đề là khi nào ta muốn mở một cuộc thương thảo về hiệp ước, giống như mở một cái hộp chứa tất cả những điều xấu xa. Mục tiêu là ngăn tránh tình trạng này – nếu không thì sẽ có nhiều yêu cầu khác được đưa ra.”
Giới phân tích chính trị trong vùng cho rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu có thể tìm ra một phương sách để bao gồm các đề nghị của Đức mà không thay đổi một cách cơ bản hiệp ước Lisbon – nếu không họ có thể nhất trí với một thỏa thuận lỏng lẻo.
Các nguyên thủ quốc gia trong Liên hiệp Châu Âu tề tựu tại Brussels để dự một cuộc họp mà nhiều người trông đợi sẽ là một hội nghị thượng đỉnh đầy trắc trở vào hôm nay và ngày mai, bàn về việc liệu có cải tổ cơ bản các quy định về việc xử lý các vụ khủng hoảng nợ nần hay không. Từ Paris, thông tín viên VOA Lisa Bryant gởi về tường thuật sau đây.