Ngày 19/2, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Đối thoại thường niên về nhân quyền.
“Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và EU và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền kể từ Vòng Đối thoại trước,” EU cho biết trong một thông cáo hôm 20/2.
Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và quan tâm về các vấn đề Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Hai bên bày tỏ hài lòng về các hoạt động hợp tác gần đây, như dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE), các dự án về thực hiện các công ước ILO trong bối cảnh có Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).
“EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87”, thông cáo có đoạn viết.
Phía EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.
Hai bên khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Hai bên nêu quan tâm chung về vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của truyền thông, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các bên liên quan trong việc đóng góp tích cực cho xã hội, kể cả trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) và EVFTA.
EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.
“Đối thoại cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam và các nước EU là thành viên”, theo thông cáo của phía Việt Nam trên trang Baoquocte.
Hôm 18/2, một ngày trước khi diễn ra phiên Đối thoại Nhân quyền EU - Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm.