Đồng euro mới góp mặt trong thị trường thế giới 13 năm nay, nhưng cho tới nay chỉ tệ này đã trải qua một quá trình đầy biến cố.
Tại bước khởi đầu, Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực euro vẫn còn phải gánh vác những chi phí khổng lồ sau khi thống nhất với Đông Đức, và có những lo ngại rộng lớn hơn liên quan tới dự án đầy tham vọng về một chỉ tệ chung như thế có thể thành công hay không.
Mặc dầu những e ngại vừa kể, chẳng mấy chốc sau đó, euro có giá một đổi một với đô la Mỹ. Rồi vượt qua hối xuất đó. Ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007 – và một cuộc suy thoái kinh tế ngay sau đó – euro vẫn giữ được trị giá của nó.
Nhưng bây giờ, cuộc suy thoái thứ nhì của khu vực đồng euro trở lại, các thị trường tài chánh đã quay lưng lại với nó. Hôm thứ Sáu, euro sụt giảm tới mức thấp nhất trong 16 tháng so với đô la.
Jeremy Stretch, một chiến lược gia chỉ tệ có trụ sở ở London cho Ngân Hàng Canada CIBC, giải thích về sự yếu kém mà các nhà phân tích đã xác định nhiều năm trước đây cuối cùng đã xuất hiện:
“Những khuyết điểm đó chủ yếu đã được che đậy bởi tiến trình tăng trưởng kinh tế rộng lớn hơn và giờ đây, khi ta thấy tình trạng suy thoái mà đa số chúng ta chưa từng chứng kiến trong đời, điều đó quả thật đã cho thấy sự thất bại trên phương diện cơ cấu trong khu vực đồng euro. Đó là một tiến trình do các chính trị gia thiết lập và đó là một phần của những khuyết điểm cố hữu. Các chính trị gia đã không thiết kế tiến trình này theo cách tối ưu.”
Chuyện này có thể không phải chỉ là sự yếu kém của đồng euro mà là do sức mạnh của đồng đô la. Các dữ liệu thống kê kinh tế Hoa Kỳ sụt giảm cho tới mùa Thu năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp cao, sự gia tăng khổng lồ trong nợ nần của chính phủ, và thị trường nhà đất chưa hồi phục được.
Nhưng giờ đây đã có dấu hiệu cải thiện.
Hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ cho biết đã tạo ra được 200.000 công việc trong tháng 12, tháng thứ sáu trong sáu tháng liên tiếp. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 8,5 phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp này là 10,1 phần trăm trong 2 năm trước đây. Không giống như khu vực đồng euro, không thấy tiên đoán Hoa Kỳ rơi trở lại vào suy thoái kinh tế năm 2012.
Ông Stretch nói tiếp:
“Trở lại lúc khởi đầu cuộc khủng hoảng, Hoa Kỳ là nền kinh tế đầu tiên thật sự bị ảnh hưởng sâu xa của cuộc suy thoái và Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp tương đối sớm để tìm cách tránh tình trạng đó bằng cách cắt giảm lãi suất xuống tới gần zero và bơm một số lượng vốn đáng kể vào hệ thống ngân hàng và vào nền kinh tế nói chung.”
Nhìn vào năm 2012, tình trạng yếu kém sẽ tiếp tục trong khu vực đồng euro. Hy Lạp có thể không trả được nợ, Pháp có thể mất vị trí tín dụng AAA. Một số các ngân hàng lớn nhất của họ có thể phải cần tới kế hoạch cứu nguy của chính phủ. Vào năm 2013, khi đồng euro bước vào năm thứ 14, không biết giá trị của nó sẽ ra sao.
Trong vòng 1 tháng, euro sụt giá 5,1 phần trăm so với đô la Mỹ. Và các dữ liệu kinh tế yếu kém tại nhiều nước trong khu vực sử dụng đồng euro hôm thứ Sáu đã làm sụt giảm thêm giá trị đồng euro, báo hiệu triển vọng kinh tế không sáng sủa của Châu Âu trong năm 2012.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!