Đường dẫn truy cập

Mỹ, EU thảo luận về các điểm nóng ở Châu Âu


Trong một cuộc họp báo Ngoại trưởng Clinton (phải) nói rằng Hoa Kỳ và EU là nđối tác để đối phó với những vấn đề toàn cầu cũng như giải quyết những khó khăn cấp vùng
Trong một cuộc họp báo Ngoại trưởng Clinton (phải) nói rằng Hoa Kỳ và EU là nđối tác để đối phó với những vấn đề toàn cầu cũng như giải quyết những khó khăn cấp vùng

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, và Ủy Viên Chính Sách Đối Ngoại Liên Hiệp Châu Âu Catherine Ashton, có mặt tại thủ đô Washington để thảo luận về vấn đề chính sách hầu giải quyết các vấn đề tại Bosnia-Herzegovina và Belarus.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm hôm thứ Ba, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, EU, là những đối tác cùng nhau làm việc để đối phó với những vấn đề toàn cầu cũng như giải quyết những khó khăn cấp vùng.

Bà nói rằng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã bày tỏ mối quan tâm chung về vụ đàn áp tiếp theo sau cuộc bầu cử Tổng Thống tại Belarus hồi tháng 12 năm ngoái và hai nhân vật ngoại giao hàng đầu này gọi vụ bắt bớ những người đối lập với Tổng Thống Alexander Lukashhenko và những người bất đồng chánh kiến khác là do động cơ chính trị.

Cả bà Clinton lẫn bà Ashton đều muốn thấy các tù nhân chính trị tại Belarus được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện.

Bà Clinton và bà Ashton cũng bày tỏ mối quan tâm về sự ổn định của Bosnia-Herzegovina và về tình trạng bế tắc chính trị tại đó.

Nhà lãnh đạo người Serbia của Bosnia, ông Milorad Dodik trước đây đã dự trù tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Sáu liên quan tới các định chế tư pháp của nước này trong đó lẽ ra sẽ đặt nghi vấn về tất cả các đạo luật được thông qua bởi các chính phủ kế tiếp nhau được Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu hậu thuẫn.

Sau cuộc họp với bà Ashton tại thành phố Banja Luka ở miền bắc Bosnia hồi tuần trước, ông Dodik đã từ bỏ đòi hỏi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Bà Clinton nói rằng cả hai bà đều hoàn toàn ủng hộ thẩm quyền của ông Valentine Inzko, đại biểu cao cấp cho Bosnia do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm để giám sát quốc gia này.

Hai nhà ngoại giao này cho biết là họ muốn thấy nhân dân Bosnia thể hiện được hy vọng về những cải cách cần thiết, về một chính phủ hữu hiệu và một tương lai hội nhập tại Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG