Đám đông ở thủ đô Tallinn của Estonia đã bất chấp trời lạnh giá để ra ngoài đường hát hò và nhảy múa, nhiều người trong số họ đứng gần các máy rút tiền mặt, nơi họ tò mò ngắm nhìn đồng tiền mới của mình, đó là đồng euro.
Tallinn cũng đã trở thành một Thủ đô Văn hóa của châu Âu trong năm 2011.
Tuy nhiên, những người chỉ trích vẫn còn hoài nghi rằng việc từ bỏ đồng Kroon có phải là hành động đúng đắn của đất nước thuộc vùng Baltic với dân số chỉ có 1,3 triệu người này hay không.
Ông Kirsi Altonen, người gốc Phần Lan, bày tỏ cảm nghĩ lẫn lộn về đồng euro.
Ông Altonen nói: “Tôi cho rằng giá cả sẽ tăng ở Estonia. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn cho việc đi lại từ Phần Lan tới đây và nhiều điều khác nữa..nhưng...”
Tại các nước đông Âu khác như Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary cũng có nhiều người hoài nghi như vậy.
Họ không còn có vẻ vội vã tham gia vào khối 17 nước trong khu vực sử dụng đồng euro và nói rằng trước hết họ muốn theo dõi xem vấn đề nợ được giải quyết như thế nào ở những nước đang gặp khó khăn như Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Thông đốc ngân hàng trung ương Ba Lan Marek Belka đã từng phát biểu với giới truyền thông rằng Ba Lan sẽ chỉ gia nhập khi khối các nước sử dụng đồng euro đã có được “trật tự”. Ông nói rằng không có lý do gì để vội vã, theo nguyên văn lời ông là “không có điều gì đột ngột đang diễn ra”.
Thủ tướng Czech Petr Necas thì nói rằng việc đưa vào sử dụng đồng euro sẽ không đem lại lợi ích trong một thời gian dài đối với nước ông.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng tán đồng nhận định này và nói rằng có thể phải tới 10 năm nữa Hungary mới đưa vào sử dụng đồng tiền này.
Ông Orban nói rằng ông không muốn đưa ra một thời hạn cụ thể vì nhiều thời hạn như vậy đã từng được đề ra rồi lại lỗi hẹn. Tuy nhiên, thủ tướng Orban cũng thừa nhận rằng việc đưa đồng euro vào sử dụng ở Hungary, theo nguyên văn lời ông là “dường như không trở thành thực tế trước cuối thập niên này.”
Các phân tích gia trước đó cho rằng năm 2016 là năm hợp lý để Hungary gia nhập, còn các nước đông Âu lớn hơn như Ba Lan có thể gia nhập khối này trước năm 2020.
Các chuyên gia cho hay một số nước đông Âu lo ngại rằng việc đưa đồng euro vào sử dụng sẽ khiến họ kém cạnh tranh hơn vì họ sẽ mất đi khả năng linh hoạt trong vấn đề tỷ giá.
Cuộc khủng hoảng nợ nần mà một số thành viên EU phải đối mặt cũng đã ảnh hưởng tới khái niệm chung cho rằng làm thành viên của khối sử dụng đồng euro sẽ đảm bảo để các nước có tiền mặt dễ dàng hơn và giảm chi phí đi vay.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Hungary Janos Martonyi phủ nhận việc Hungary đã từ bỏ ý định sử dụng đồng euro. Ông nói rằng chính phủ muốn hỗ trợ trong việc ổn định khối sử dụng đồng euro trong thời gian nước này giữ chức chủ tịch bắt đầu từ đầu năm nay.
Ông Martonyi nói: “Chúng ta không nên tin rằng đồng euro chỉ là dành cho các nước trong khối sử dụng đồng tiền này. Đồng euro là vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Nếu đồng euro yếu đi, nếu đồng euro gặp rủi ro, thì tất cả chúng ta đều nguy khốn. Và tất cả chúng ta đều hoàn toàn hiểu rằng sức mạnh của châu Âu, tương lai của châu Âu, các ý kiến của châu Âu, tất cả đều phụ thuộc vào sự lạnh mạnh và tình hình kinh tế mạnh mẽ được phản ánh bởi một đồng tiền lành mạnh, mạnh mẽ và được cứu nguy.”
Ủy viên châu Âu về vấn đề Tiền tệ và Kinh tế, ông Olli Rehn, đã nói rõ rằng khu vức sử dụng đồng euro sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới.
Ông Rehn nói: "Từ thập niên cuối cùng cho tới thập niên trước là thập niên biến đồng euro thành hiện thực. Và thập niên hiện nay sẽ là thập niên cải cách cơ bản của khu vực sử dụng đồng euro, của liên minh tiền tệ và kinh tế.”
Trở lại Tallinn, một người đàn ông cao niên, ông Tiit Toominte, người đã trải qua những năm tháng khi mà nước ông còn thuộc về Liên bang Xô Viết, đã đặt những hy vọng vào đồng euro. Ông cho rằng đồng tiền này là yếu tố chủ chốt để làm ăn ở vùng Baltic.
Ông nói, khi người nào đó ở Estonia đi ra nước ngoài và xem giá cả của các mặt hàng khác nhau như giày dép và quần áo chẳng hạn thì họ có thể dễ dàng so sánh sự khác biệt với Estonia. Ông nói rằng ông hy vọng thương mại sẽ được cải thiện nhờ có điều đó.
Nếu điều này tùy thuộc vào Ủy ban Châu Âu, thì nhiều người châu Âu sẽ có cùng quan điểm với ông hơn.
Người dân Estonia đang làm quen với một hình thức thanh toán mới sau khi nước họ trở thành nước đầu tiên thuộc khối Liên bang Xô Viết cũ từ bỏ đồng nội tệ để gia nhập khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu vào đúng ngày đầu Năm Mới. Tuy nhiên, các giới chức chính phủ cảnh báo rằng quan ngại về tương lai của đồng tiền chung châu Âu này đã trì hoãn việc các nước lớn hơn ở Đông Âu gia nhập khối này suốt một thập niên nay. Từ Budapest thông tín viên Stefan Bos gửi về bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1