Đường dẫn truy cập

Bi quan khắp châu Âu vì kinh tế xuống dốc


Cardston, Alberta
Cardston, Alberta

Trong lúc giới hữu trách cố gắng ngăn chặn không cho những khó khăn kinh tế của Hy Lạp lan sang các quốc gia khác, vụ tranh cãi về khoản tiền cứu nguy cho Hy Lạp đang gây ra những tác hại về mặt tâm lý. Tại Hy Lạp và khắp châu Âu, những lo ngại về kinh tế đang đưa đến những cảm nghĩ bi quan.

Mỗi ngày lại có thêm một cuộc biểu tình tại Hy Lạp, nơi mà phẫn nộ đang nhường bước cho tuyệt vọng.

Một kỹ sư công chánh 38 tuổi phát biểu: ”Đó là một sự bất công và sai lầm khi chấm dứt trợ cấp xã hội tại Hy Lạp, bởi vì chuyện này rồi sẽ được áp dụng cho toàn thể Liên Hiệp châu Âu.”

Ông nói hệ thống trợ cấp xã hội tại Hy Lạp không công bằng, nó là một sai lầm.

Cách xa khỏi đám biểu tình, cảnh tượng còn đau đớn hơn khi những người dân Hy Lạp xếp hàng chờ phát thịt miễn phí cho ngày Thứ năm Lễ Tro, một truyền thống hàng năm của Thiên Chúa Giáo Chính Thống.

Một người dân không nhà ở thủ đô Athens nói: ”Bây giờ tôi thất nghiệp.”

Một phụ nữ đứng sau lưng anh nói: ”Những người vô gia cư như chúng ta đây sẽ đi về đâu? Rồi bây giờ họ còn cắt trợ cấp xã hội. Quân ăn cắp!”

Và niềm tuyệt vọng đang lan rộng. Anh Marco Sportelli là một công nhân ngành xây dựng tại nước Ý nói:

”Tôi không biết kinh tế có tăng trưởng trở lại hay không. Theo tôi thì chúng ta nên bỏ Hy Lạp, vì càng cấp thêm tiền cho họ thì họ lại càng đòi hơn và càng làm cho các nước châu Âu khác lụn bại. Rồi sẽ thấy chúng ta có thể làm được gì cho chúng ta. Vào lúc này đây dường như chúng ta đang đi đúng hướng, để xem chuyện gì sẽ xảy ra.”

Anh nói anh không biết kinh tế sẽ có phát triển trở lại được không và lo là Hy Lạp sẽ kéo toàn thể châu Âu xuống dốc.

Tại Pháp nỗi bất mãn cũng thấy rõ. Những chính trị gia như ứng cử viên tổng thống Francois Hollande của đảng Xã Hội cảnh báo sẽ còn nhiều khó khăn kinh tế hơn nữa. Ông nói:

“Sự tuột dốc của hệ thống tài chính, gồm châu Âu, khối đồng euro, nơi các cơ quan đánh giá trở thành những cơ quan đầy quyền lực và quyết định số phận của các khoản nợ quốc gia, đề ra những biện pháp thắt lưng buộc bụng ngày càng đớn đau, và đầu cơ tiếp tục hủy hoại khu vực đồng euro. Quí vị có thấy tình hình ở Hy Lạp không? Họ bị buộc phải quì gối để nhận tiền cứu nguy.”

Tại Tây Ban Nha, nơi mà tỉ lệ thất nghiệp lên tới mức cao nhất châu Âu, nhiều tòa nhà ở thị trấn Ciudad bị bỏ không.

Một chuyến xe lửa lẽ ra sẽ chở công nhân đến thủ đô Madrid làm việc vừa chạy qua, bỏ lại sau lưng một thành phố chết giữa không khí lo buồn ảm đạm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG