Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp kêu gọi thành lập một chính phủ kinh tế chung cho 17 quốc gia sử dụng đồng euro và tất cả các nước nên thông qua những đạo luật bắt buộc phải cân bằng ngân sách vào giữa năm tới.
Sau khi gặp nhau tại Paris vào ngày thứ Ba, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn có một “chính phủ kinh tế châu Âu thực sự,” một nỗ lực nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ của châu lục này.
Hai nhà lãnh đạo nói chính phủ kinh tế mới nên bao gồm 17 vị nguyên thủ của các quốc gia khu vực đồng euro, sơ khởi dưới sự lãnh đạo của đương kim chủ tịch Liên hiệp châu Âu Herman Van Rompuy của Bỉ, và gặp nhau ít nhất 2 lần một năm.
Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel hứa ủng hộ đồng euro, và nói là sẽ đánh thuế công ty như nhau tại hai nước, để chứng tỏ là hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu “chung bước” để bảo vệ đồng euro.
Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp gặp nhau vào lúc tin tức báo chí cho thấy kinh tế của châu lục này tăng trưởng chậm một cách đáng kể từ tháng 4 đến tháng 6, gây nên quan ngại mới về một cuộc suy thoái toàn cầu khác.
Tăng trưởng chậm cũng làm khó khăn thêm cho các nước đang mang nợ tại châu Âu muốn phát triển kinh tế và tránh cho quốc tế phải cứu nguy như trường hợp các nước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Liên hiệp châu Âu tường trình là nền kinh tế khu vực đồng euro chỉ tăng trưởng có 0,05% trong quý hai, chỉ bằng 1/4 của mức tăng trưởng của quý 1. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ tăng có 0,1%.
Việc giảm mức tăng trưởng của châu Âu là một chỉ dấu nữa cho thấy việc suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, nhiều phúc trình của các chính phủ khác cho thấy có sự tăng trưởng chậm chạp trong những tháng gần đây và tiên đoán sự tiến triển có giới hạn trong những tháng còn lại của năm nay.
Hoa Kỳ cũng đối mặt với mức tăng trưởng kinh tế chậm chạp và một cuộc tranh cãi chính trị gay gắt để làm thế nào kìm hãm được thâm thủng trong chi tiêu.
Một số nhà phân tích tài chánh khuyến cáo các nước sử dụng đồng euro cần bán trái phiếu euro phổ thông như một phương cách củng cố hành động của 17 gia về các vấn đề kinh tế .
Tuy nhiên bà Merkel và ông Sarkozy bác bỏ hành động này, ít nhất là trong hiện tại.
Những người chỉ trích trái phiếu đồng euro lo ngại là một bước như thế có thể làm giảm sự khích lệ đối với những nền kinh tế yếu kém trong khu vực đồng euro như Hy Lạp, hiện phải đang cần hai số tiền cứu nguy, và việc chia sẻ chi phí vay mượn cao hơn sẽ là một trừng phạt tài chánh đối với những nước có nền kinh tế lành mạnh.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1