Facebook hôm 18/2 đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà xuất bản và các chính trị gia khắp thế giới sau khi chặn các nội dung tin tức ở Úc, theo Reuters.
Trong hành động bất ngờ leo thang vụ tranh chấp với chính phủ Úc về một dự luật đòi FB chia sẻ doanh thu thu về được từ tin tức được đăng tải hoặc chia sẻ trên nền tảng của mạng xã hội này, Facebook đã chặn hiển thị các trang của chính quyền các tiểu bang và các tổ chức từ thiện cùng với các trang của các cơ quan truyền thông Úc và quốc tế, 3 ngày trước khi Úc phát động chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc.
Mặc dù FB chỉ nhắm vào nước Úc, những lời lên án đến từ khắp nơi, một số chính trị gia ở các nước khác mô tả đây là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên các chính phủ đang cân nhắc các biện pháp tương tự trên khắp thế giới.
Thủ tướng Úc Scott Morrison viết trên trang Facebook của ông:
“Hành động hủy kết bạn với Australia của Facebook hôm nay - cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp - là sự ngạo mạn và rất đáng thất vọng.”
Vụ tranh chấp tập trung vào một dự luật của Úc đang được xem xét để yêu cầu Facebook và Alphabet Inc của Google phải đạt các thỏa thuận thương mại để trả tiền cho các cơ quan báo chí cung cấp tin tức thúc đẩy lượng truy cập đến nền tảng FB, hoặc nếu không, thì phải điều đình giá cả thông qua một cơ quan trọng tài.
Facebook cho biết tập đoàn này đã chặn một loạt các trang ở Úc vì dự thảo luật không xác định rõ ràng nội dung tin tức. FB nói cam kết của họ chống thông tin sai lệch vẫn không thay đổi và sẽ khôi phục các trang bị gỡ xuống do nhầm lẫn.
Người đứng đầu Ủy ban quốc hội Anh giám sát ngành truyền thông, Julian Knight, là một trong số các chính trị gia nước ngoài cho rằng thông điệp gửi tới Úc, còn nhắm đến các mục tiêu khác.
“Theo tôi hành động bắt nạt mà FB đã thực hiện ở Úc, sẽ khích động các nhà lập pháp trên toàn thế giới muốn đi xa hơn nữa,” ông Knight nói với Reuters.
Henry Faure Walker, chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh, nói rằng hành động của FB chặn tin trong trận đại dịch toàn cầu là “một ví dụ kinh điển về việc một thế lực độc quyền đóng vai một kẻ bắt nạt ở sân trường, cố bảo vệ vị trí thống trị của mình, không quan tâm đến những người dân và khách hàng họ lẽ ra phải phục vụ. ”
Người đứng đầu hiệp hội các nhà xuất bản tin tức BDZV của Đức, Dietmar Wolff, góp tiếng:
“Đã tới lúc các chính phủ trên toàn thế giới phải hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng mạng xã hội”.
Giá cổ phiếu Facebook giảm 1,5% trong ngày giao dịch thứ Năm 18/2.