Trong lúc Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder cho biết Faisal Shahzad đã cung cấp cho nhà chức trách nhiều thông tin quan trọng, nhiều câu hỏi vẫn chờ câu trả lời.
Shahzad có một cuộc sống biết bao người đang mong muốn. Di dân từ Pakistan sang Mỹ, trở thành công dân Mỹ, có hai bằng đại học, có việc làm trong ngành tài chính.
Nhưng chuyên viên Shuja Nawaz của Atlantic Council lưu ý rằng một số người trong vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 cũng thuộc con nhà khá giả:
“Họ không phải là những tay đánh bom tự sát có trình độ kém và bị lợi dụng. Họ là những người cảm thấy mình có thể làm những chuyện long trời lở đất.”
Jerrold Post, tác giả cuốn "Mind of the Terrorist”, Đầu Óc của Kẻ Khủng Bố, nói rằng theo nguồn tin báo chí, Shahzad nói với nhà chức trách anh ta chịu ảnh hưởng của Anwar al-Awlaki, một giáo sĩ Hồi giáo sinh đẻ tại Mỹ đang lẩn trốn ở Yemen. Viên giáo sĩ này sử dụng các bài giảng trên Internet để tuyển mộ người Mỹ theo Hồi giáo và biến họ thành những người chống Mỹ. Tác giả Post cho biết:
“Giáo sĩ al-Awlaki nói với cử tọa thứ nhất Hồi giáo đang lâm nguy, người Hồi giáo đang là nạn nhân. Thứ hai, cần phải bảo vệ đạo vì người phương Tây đang ra sức phá đạo. Và thứ ba, người nào tử vì đạo sẽ đứng vào vị trí cao và sẽ có phần thưởng trên thiên đàng. Toàn là những lời giảng có sức mạnh lôi cuốn.”
Cả hai chuyên viên Post và Nawaz đều đồng ý rằng thời gian chuyển tiếp diễn ra một cách chậm chạp, xuất phát từ một sự kết hợp giữa tôn giáo và nổi giận.
Riêng chuyên viên Post nêu ra hai sự kiện từ khi đến Mỹ vào năm 1998, Shahzad về lại Pakistan nhiều lần, và quê của anh nằm gần nơi hay bị máy bay không người lái của Mỹ oanh kích, vì khu vực đó có nhiều phần tử nổi dậy. Post kết luận:
“Nhiều người ở Pakistan có ác cảm với Hoa Kỳ. Điều này tăng thêm do các vụ oanh kích của máy bay không người lái nhắm vào các thành viên Taliban chủ chốt. Điều không may là có nhiều thường dân bị vạ lây. Thế là al-Qaida và Taliban hô hoán lên người Mỹ định tiêu diệt Hồi giáo.”
Người Hồi giáo ở Mỹ sinh hoạt bình thường như bao công dân Mỹ khác, đỡ hơn rất nhiều nếu so với một vài nước châu Âu.
Nhưng chuyên viên Nawaz nói rằng như vậy cũng chưa đủ, cần phải có những tiếng nói Hồi giáo ôn hòa để phản biện các luận điệu của những người cực đoan như giáo sĩ Awlaki.
“Chính phủ Hoa Kỳ cần đưa vào Mỹ các nhân vật người Ấn Độ, Pakistan và Indonesia có uy tín trong cộng đồng Hồi giáo; họ là những người có thể thuyết phục người Hồi giáo nói chung nên sống phù hợp với thời đại mới. Các vụ khủng bố có thể tránh được nếu lời giảng theo kiểu của giáo sĩ Awlaki có thể đáp trả bằng những tiếng nói Hồi giáo ôn hòa.”