Đường dẫn truy cập

FARC ký hòa ước chính thức với Colombia


Lãnh tụ đối lập Alvaro Uribe vẫy chào người ủng hộ trong một cuộc biểu tình chống hòa ước của chính phủ với nhóm phiến quân FARC, Colombia, 26/9/2016.
Lãnh tụ đối lập Alvaro Uribe vẫy chào người ủng hộ trong một cuộc biểu tình chống hòa ước của chính phủ với nhóm phiến quân FARC, Colombia, 26/9/2016.

Một thỏa thuận hòa bình chính thức giữa chính phủ Colombia và nhóm phiến quân FARC được ký tại thành phố cảng Cartagena hôm thứ Hai, 9/26, chấm dứt cuộc xung đột dài nhất ở châu Mỹ. Tuy nhiên thỏa thuận này vẫn còn một rào cản cuối cùng trước khi được thực hiện.

Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia và thủ lãnh Timoleón "Timochenko" Jiménez của nhóm phiến quân FARC đồng ý ngừng bắn hồi tháng 6, một dấu hiệu chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 52 năm.

Hòa ước chính thức được ký kết hôm thứ Hai 26/9 tại Cartagena và sẽ được đưa ra cho cử tri thông qua vào ngày 2 tháng 10.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng hy vọng của ông là trong tuần này hòa ước sẽ được thực thi:

"Tôi nghĩ rằng thành tựu này là một phần của lịch sử. Trên hết hòa ước sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực và cho nhân dân Colombia. Thành tựu này là kết quả của một sự dũng cảm và công sức của nhiều người."

Hơn 220.000 người Colombia đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, và hơn 7 triệu người ly tán.

Theo thỏa ước, các thành viên cao cấp của FARC sẽ tránh bị tù nếu họ tham gia một tiến trình hòa giải và trung thực như là một phần của việc bồi thường chiến tranh.

Đổi lại, FARC sẽ trở thành một đảng phái chính trị hợp pháp và sẽ được tham gia một số ghế trong quốc hội.

Nhưng hòa ước này có thể vẫn chưa chấm dứt được bạo động.

Ông Michael Shifter là chủ tịch của nhóm Đối thoại Liên Mỹ:

"Có lẽ chúng ta phải ngây thơ lắm mới nghĩ rằng sau khi hòa ước được ký thì bỗng nhiên sẽ không còn bạo động nữa, không còn buôn ma túy nữa. Trong tình huống tốt nhất, cũng phải mất rất nhiều thời gian thỏa ước này mới thực hiện được."

Trên đường phố ở Cartagena, có những phản ứng không đồng nhất về thỏa ước hòa bình này.

Anh Jorge Rodriguez Sosa:

"Colombia cần một cơ hội hòa bình để đất nước có thể tiến lên và phát triển."

Chị Maritza Paraga:

"Ngay vào lúc này, rất nhiều người thất nghiệp, và họ sẽ phải nhường nhiều quyền lợi cho những người theo FARC, những người đã gây ra rất nhiều thiệt hại."

Các cuộc thăm dò dư luận về cuộc trưng cầu dân ý cho những kết quả thay đổi thất thường, do đó không thể đoán được cuộc biểu quyết sẽ đi theo hướng nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG