Đường dẫn truy cập

Ký ức và chấn thương


Thẩm phán Kavanaugh và tiến sĩ Ford.
Thẩm phán Kavanaugh và tiến sĩ Ford.

Những gì xảy xa đối với tiến sĩ Christine Blasey Ford và với thẩm phán Brett Kavanaugh trong cuộc điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện trong những ngày qua cho thấy dù ở cương vị nào đi nữa, dù trí tuệ, thành công hay quyền lực đến mấy, mỗi chúng ta đều là con người với những điểm yếu và những tổn thương tâm lý. Ở cương vị có thẩm quyền và thẩm định khác hẳn cương vị bị đánh giá và phán xét. Cho nên câu nói hãy đặt mình vào vị trí của người khác nhiều khi là châm ngôn của cuộc đời.

Bà Ford, một giáo sư và nhà nghiên cứu về tâm lý, khẳng định trong cuộc điều trần rằng bà đâu có muốn ở đó, rằng bà rất khiếp sợ (terrified), nhưng vì trách nhiệm công dân mà bà phải lên tiếng chia sẻ câu chuyện của bà, trước bao nhiêu lời hăm dọa giết bà, buộc bà phải tạm sống xa nhà trong những ngày qua. Đó là chưa kể những ảnh hưởng của cuộc điều tra và quan sát kỹ lưỡng của cơ quan FBI, trong những ngày tới đối với bà và gia đình [1]. Giọng nói của bà không dấu được nỗi xúc động và run sợ trước cuộc điều trần này, nhất là khi phải đối diện với bao áp lực nặng nề từ truyền thông và dư luận, lắm khi thù nghịch. Cho nên quyết định đồng ý ra điều trần để trình bày câu chuyện của mình là một quyết định khó khăn, cân nhắc và can đảm. Dù kết quả cuộc điều trần này ra sao đi nữa, đời sống của bà Ford và gia đình bà từ nay trở đi sẽ không còn như trước nữa.

Ông Kavanaugh cũng thế. Chính ông cho biết trong 10 ngày qua từ khi công bố các cáo buộc của bà Ford cho đến khi được điều trần vấn đề này vào thứ Năm tuần trước, tên tuổi, uy tín và gia đình của ông bị thiệt hại nặng nề bởi những người cố tình muốn phá hoại ông và gia đình ông. Những hăm dọa hành hung, những điện thư đe dọa với vợ ông, sự tấn công đối với bạn bè ông v.v... Thực hư trong chuyện này thì chưa có kết luận, nhưng điều rõ ràng là không chỉ ông Kavanaugh mà vợ, hai con gái và những người thân của ông cũng bị tổn thương. Cung cách trình bày và trả lời của ông vào thứ Năm vừa qua, cũng như cử chỉ của vợ ông mặc dầu bà chỉ ngồi đó lắng nghe, cho thấy họ đã bị áp lực và ảnh hưởng sâu sắc. Những ngày điều trần trước đó, ông vẫn giữ được sự điềm tĩnh, tính cách cần thiết và quan trọng của một thẩm phán với hàng chục năm kinh nghiệm trong các tòa phúc thẩm, cho dầu có bao câu hỏi có vẻ hóc búa hay thù nghịch. Nhưng đến khi sự kiện bà Ford được đem ra mổ xẻ, nét mặt ông không dấu nỗi âu lo, có lúc ông tỏ vẻ giận dữ và đầy cảm xúc [2].

Điều nên nhớ là nếu chúng ta chỉ nghe, đọc hay thấy trên màn hình về các cuộc điều trần này thì khó thể nào hiểu được tâm trạng của người bị điều trần, trước bao áp lực lớn lao từ đủ mọi phía. Có trí tuệ, tâm lực hay kinh nghiệm thôi cũng chưa chắc đủ khi đối diện với những câu hỏi hóc búa hay các ngôn từ đầy thù nghịch. Trong bối cảnh chia rẽ chính trị và xã hội sâu sắc như hiện nay, một hiện tượng có lẽ phổ biến toàn cầu, người ta dễ dàng bị giao động mạnh, dễ dàng bị lôi cuốn vào các tiểu tiết chưa được kiểm chứng, dễ dàng đi đến kết luận và kết án, thay vì để cho các cơ quan chuyên ngành điều tra với nhiều bằng chứng xác đáng để đưa ra nhận định, kết luận hay đề nghị đúng đắn hơn. Dường như tính cách tự kỹ luật và tự kiềm chế trong quan hệ giữa con người với nhau bị soi mòn trầm trọng trong những thập niên qua, đặc biệt trong những năm gần đây.

Tôi nghĩ khó có ai còn được nguyên vẹn sau cuộc điều trần đầy như thế, nghĩa là không ít thì nhiều bị trầy da tróc vẫy.

Những kinh nghiệm đau thương mà một người từng trãi qua, những chấn thương tinh thần/tâm lý (trauma), như kinh nghiệm sống chết, chẳng hạn, của mình hay của người thân, sẽ khó thể nào phai nhòa trong trong tâm trí của người đó. Và không một ai trong chúng ta bị miễn nhiễm về chấn thương tâm lý này.

Những ai trong chúng ta được sinh trưởng trong một gia đình không bạo lực, không có bạo hành trong nhà, và không bị ngược đãi, dù là lời nói hay hành động, thì đó là điều vô cùng may mắn. Nhưng cho dù mái ấm gia đình có hoàn hảo đi nữa, chúng ta đều chịu ảnh hưởng của môi trường chung quanh, trong khi xã hội nào cũng lắm điều bất toàn. Trong mọi xã hội hiện nay, bạo lực vẫn còn hiện hữu khắp nơi, không ít thì nhiều, kể cả những xã hội văn minh, dân chủ và pháp trị hàng đầu. Các xã hội văn minh lại có những vấn đề khác của nó. Cho nên nếu may mắn không bị ảnh hưởng tiêu cực của gia đình, chưa chắc chúng ta sẽ không bị miễn nhiễm từ ảnh hưởng của xã hội, từ cách cư xử và ứng xử, kể cả bắt nạt (bullying), của thầy cô và bạn bè ở các lớp mầm non đến tiểu học và trung học. Lớn lên khi bắt đầu va chạm với cuộc sống, trưởng thành và có công ăn việc làm vững chãi, dù luật pháp, chính sách hay quy chế có bảo đảm trên giấy tờ đi nữa, sự bất công đối xử và sự bắt nạt tại sở làm không phải vì thế mà biến mất. Nếu không làm công khai, các thủ phạm này vẫn tìm cách làm kín đáo, vẫn đâm sâu lưng, vẫn sử dụng các ngôn từ thâm hiểm để đánh vào điểm yếu hay sự nhạy cảm của người khác. Những kẻ có uy quyền nhưng đầy thủ đoạn và trí trá như thế, tuy chỉ là thiểu số, nhưng chỉ cần tỷ lệ vài phần trăm, vài người trong một trăm người, cũng đủ làm cho chúng ta cảm thấy bất an.

Khi an toàn bị đe dọa, khi sự sợ hãi quá mạnh mẽ lấn áp mọi lý trí, khi các giá trị và nguyên tắc sống của mình bị đe dọa, và sống còn chỉ là sự chọn lựa duy nhất, các biến cố như thế gây chấn động lên tinh thần và để lại những vết thương lòng khó phai nhòa.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu về đề tài chấn thương này nhiều thập niên, nếu không phải là cả thế kỷ, qua. Càng ngày khi các kiến thức và khám phá mới về khoa học thần kinh càng gia tăng, nó giúp cho chúng ta đến gần sự thật hơn để tìm hiểu về nguyên nhân, tác động và ảnh hưởng sâu xa của chấn thương đối với sự phát triển và hoạt động của bộ não con người; đặc biệt ký ức hay bộ nhớ của con người bị ảnh hưởng ra sao khi đối diện với các biến cố đầy đau thương đó.

Nạn nhân, hay chỉ là chứng nhân, của các thiên tai như động đất, cháy rừng, lũ lụt, bão tố, vân vân, hay nhân tai như chiến tranh, khủng bố, hiếp dâm, xâm phạm tình dục, bạo hành, tai nạn xe cộ, vân vân, sẽ trãi nghiệm các chấn thương này. Và chỉ có những người trãi qua chấn thương đó mới thật sự biết được cảm giác ra sao. Tùy theo từng loại chấn thương khác nhau, hậu quả có thể ở tầng cảm xúc, hành vi hay nhận thức, tức khả năng để suy nghĩ và quyết định, hoặc để lại hậu chứng thần lý (neurologic sequelae) [3]. Nghị lực, và khả năng phục hồi, của mỗi người cũng khác nhau, do đó phản ứng và đối phó cũng khác nhau. Có người vượt qua được và trở thành mạnh mẽ hơn. Có người không vượt qua được và phát triển chứng bệnh trầm cảm, chẳng hạn. Có người tìm cách quên nó đi bởi nó quá khủng khiếp trong tâm trí họ, nhưng thỉnh thoảng nó lại hiện về. Nỗi lo âu đó ám ảnh nhiều người cả cuộc đời. 10 phần trăm đàn bà và 4 phần trăm đàn ông bị chấn thương nặng sẽ phát triển thành tình trạng rối loạn tâm lý, hay từ chuyên môn là Rối loạn Căng thẳng Hậu Chấn thương (Post-Traumatic Stress Disorder, PTSD) trong đời mình [4].

Các nhà tâm lý và phái thiền học khuyên chúng ta là dù muốn quên cũng không quên được. Không những thế, nó có thể trở nên tệ hại hơn, trầm trọng hơn nếu cứ tránh né nó. Cách tốt nhất là đối diện trực tiếp với nó, dần dần sẽ khắc phục và vượt qua nỗi căng thẳng và sợ hãi này. Nhưng để làm được điều này, một trong các điều kiện căn bản là một môi trường an toàn trong đó người ta được điều trị bởi các nhà chuyên môn sử dụng các phương pháp khoa học được thử nghiệm là có hiệu quả. Ngoài ra mạng lưới hỗ trợ cho những người này, từ gia đình, bạn bè đến những người quan tâm là rất cần thiết để giúp người ta từng bước khắc phục.

Theo nghiên cứu thì những người từng bị chấn thương, nhất là các chấn thương nghiêm trọng, mất nhiều thời gian để khắc phục, và thường sống hay sống lại (relive) các biến cố, kinh nghiệm này nhiều lần trong cuộc đời. Họ rất dễ bị tổn thương mặc dầu trong thâm tâm họ không nghĩ hay không tin điều đó.

Qua sự kiện điều trần thẩm phán Brett Kavanaugh vào tối cao pháp viện, vấn đề nổi bật là liệu bà Christine Blasey Ford có nhớ đúng hay không, trong khi các nhân chứng khác mà bà nêu ra, có đến bốn người, xác định là họ không nhớ và không hồi tưởng lại (recall) sự kiện này. Như thế thì phải chăng sự kiện đó không xảy ra, hay bà nhớ lầm, hay vấn đề là thế nào?

Tôi sẽ trình bày đề tài này qua cái nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý và trí nhớ của bộ não của con người trong bài tới.

(Úc Châu, 01/10/2018)

Tài liệu tham khảo:

1. Lauren Gambino, “Christine Blasey Ford offers powerful testimony in the #MeToo era”, The Guardian, 28 September 2018.

2. Vì thế mà người ta đã nêu ra những câu hỏi về tinh thần trung lập của ông, tính cách ứng xử, và qua đó nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Tòa án Tối cao mà uy tín hiện đang thử thách rằng liệu định chế này, cái mà trước nay luôn tận tụy với pháp luật chứ không phải với chính trị, có bị đe dọa không nếu ông được thượng viện phê chuẩn. Xin đọc thêm bình luận của Adam Liptak, “A Bitter Nominee, Questions of Neutrality, and a Damaged Supreme Court”, The New York Times, 28 September 2018.

3. Ana Nogales, “Trauma”, Psychology Today, 19 February 2014.

4. Melanie Greenberg, “How PTSD and Trauma Affect Your Brain Functioning”, Psychology Today, 29 September 2018.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG