Đường dẫn truy cập

Tự do trong đại dịch Covid-19


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đã gần đến cuối năm 2020 nhưng thế giới vẫn bất định hơn bao giờ hết. Đầu năm còn nhiều người mong đợi con số 2020 tròn trịa sẽ đem lại niềm tin và khả quan hơn so với năm 2019, một năm cũng có đầy biến sự. Nhưng thực tế thì thật là khác.

Đại dịch Covid-19 cho đến lúc viết bài này đã gây ra gần 40 triệu ca nhiễm, hơn 1 triệu 113 ngàn người chết. Riêng nước Mỹ có hơn 8 triệu 154 ngàn người bị nhiễm và hơn 219 ngàn người chết [1].

Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng toàn cầu một cách sâu sắc nhất trong nhiều thập niên qua, và những hệ quả sau cùng thì vẫn chưa khẳng định được [2]. Tối thiểu là 5,2% kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm. Phần lớn các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường đang trồi lên (EMDEs) sẽ bị suy giảm vì đại dịch, và nó cũng sẽ gây ra thiệt hại lâu dài đối với năng suất lao động và sản lượng tiềm năng. Dữ kiện mới nhất cho thấy, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã bị chậm lại tuy là có những dấu hiệu cải thiện từ giữa năm nay [3].

Đó là những ảnh hưởng của Covid-19 về y tế và kinh tế. Còn ảnh hưởng của nó về chính trị, nhất là nền dân chủ và nhân quyền, trong thời gian qua thì sao?

Chỉ không lâu sau khi đại dịch bùng phát, quyền tự do con người, ngay cả trong các nền dân chủ hàng đầu, cũng bị giới hạn ngặt nghèo như chưa từng có. Chỉ vài tuần sau đại dịch, sự đi lại và các hoạt động bình thường khác của con người đều bị kiểm soát hoặc giới hạn ở mức độ chưa từng thấy.[4].

Tại Úc, tiểu bang Victoria đã bị hạn chế nghiêm ngặt trong bốn tháng qua [5]. Người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Không được đi đâu quá 5 cây số, ngoại trừ đi làm trong những công việc cần thiết. Nhiều doanh nghiệp và dịch vụ bị đóng cửa suốt mấy tháng nay. Thế mà số ca nhiễm, tuy chỉ còn dưới 5 ca lúc viết bài này, vẫn còn lây lan trong cộng đồng. Tác hại của chính sách hạn chế kéo dài này lên sức khỏe tinh thần của người dân tại Victoria, và nhất là sự bất định không biết khi nào được nới lỏng, đã đến mức báo động. Tại Manchester và Wales của Anh có thể bị hạn chế nghiêm ngặt như thế để đối phó với tình trạng lây nhiễm hiện nay [6].

Nhưng mức độ ảnh hưởng của Covid-19 về nhân quyền và tự do trên bình diện toàn cầu ra sao thì vẫn chưa rõ ràng hay đầy đủ, cho đến khi tổ chức Freedom House phổ biến bản báo cáo vào đầu tháng 10 vừa qua. Michael J. Abramowitz, chủ tịch của Freedom House, được chính phủ Mỹ tài trợ, cho biết: “Những gì bắt đầu như một cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn thế giới, đã trở thành một phần của cuộc khủng hoảng toàn cầu về dân chủ. Chính phủ ở mọi nơi trên thế giới đã lạm dụng quyền lực của họ, bằng cách nhân danh sức khỏe cộng đồng, nắm lấy cơ hội để phá hoại dân chủ và nhân quyền." [7]

Freedom House cho biết, bản báo cáo này dựa trên khảo sát của họ với 398 ký giả [8]. Trong đó bao gồm các nhà làm việc xã hội dân sự, nhà hoạt động, và các chuyên gia khác. Không những thế, bản báo cáo cũng dựa trên nghiên cứu của chính Freedom House trên 192 quốc gia qua các mạng lưới phân tích toàn cầu của họ.

Bản báo cáo toàn cầu của Freedom House cho biết, điều kiện dân chủ và nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn trong 80 quốc gia kể từ khi Covid-19 lan truyền. Không chỉ dân chủ trên 80 quốc gia này yếu đi, mà vấn đề trở nên thật tồi tệ trong các nền dân chủ đang gặp khốn khó và trong các thể chế mang tính đàn áp cao độ. Vì thế mà những đảm bảo yếu ớt đối với sự lạm dụng quyền lực tại những nơi này đã bị soi mòn đáng kể. Tại Campuchia, chẳng hạn, một phản ứng tại đó cho biết, “Chính quyền đã lợi dụng coronavirus để tiêu diệt không gian dân chủ”. Tại Sri Lanka thì chính quyền đã “tăng cường nỗ lực kiểm soát báo cáo độc lập và các phát ngôn bất lợi bằng cách ra lệnh bắt giữ bất kỳ ai chỉ trích hoặc mâu thuẫn với quan điểm chính thức về coronavirus.”

Freedom House nhận định rằng, khủng hoảng về quản trị dân chủ đã có từ trước đại dịch Covid-19, nhưng nó có lẽ sẽ tiếp tục sau khi cuộc khủng hoảng y tế này đi qua, vì các luật lệ và chuẩn mực đang được áp dụng hiện nay sẽ khó có thể đảo ngược. Có 64% các chuyên gia được khảo sát đồng ý rằng, ảnh hưởng này sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm tới. Thêm vào đó, Freedom House quan ngại rằng kinh nghiệm của Trung Quốc trong 9 tháng qua, dù rất tiêu cực, nhưng có thể trở nên một chuẩn mực cai trị cho tương lai: “Tăng cường luận điệu mang tính chủ nghĩa dân tộc và tuyên truyền ở trong nước trong nỗ lực dập tắt các lời kêu gọi về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, công nghệ giám sát nâng cao và sáng tạo, đàn áp các cá nhân trong và ngoài nước chia sẻ thông tin mâu thuẫn với thông điệp của chế độ, và đàn áp các tiềm năng phê bình trong giới tinh hoa trong nước.”

Bản báo cáo nêu ra mốt số trường hợp tiêu biểu. Tại Nigeria, Covid-19 cho thấy có một nền dân chủ cho người nghèo, và một nền dân chủ khác cho người giàu; tại Ba Lan, chính trị gia đưa ra những quan điểm nhận định không dựa trên chứng cớ; tại Belarus, dối trá, kiểm soát trắng trợn, thiếu thông tin nhưng không thể bị thách thức; tại Singapore, luật được thông qua để cho là ngăn chặn coronavirus nhưng thực chất là để ngăn chặn tự do. Tóm lại, trong 192 quốc gia, điều kiện dân chủ và nhân quyền tại 80 nước tồi tệ hơn, 111 nước vẫn vậy, và 1 nước tốt hơn.

Báo cáo của Freedom House cũng cho biết, tình hình chung về 5 trụ cột nền tảng của dân chủ, tạo ra khủng hoảng chung về tự do toàn cầu. Năm trụ cột đó là: tính minh bạch; tự do truyền thông và truyền đạt; bầu cử khả tín; kiểm soát đối với vấn nạn lạm dụng quyền lực; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Bản khảo sát nhận định rằng, 62% tham gia cho biết họ không tin tưởng những thông tin liên quan đến Covid-10 đến từ chính phủ của họ. Có 91% quốc gia gặp phải giới hạn mới hay bị gia tăng đối với các cơ quan truyền thông về tin tức. Trong 22 quốc gia có bầu cử thì 7 cuộc bầu cử bị dời ngày, trong đó 4 bầu cử bị thay đổi luật, vì lý do Covid-19. Có 59 quốc gia trải qua kinh nghiệm bạo lực từ phía cảnh sát liên quan đến phản ứng đối với Covid-19. Có 25% tham gia khảo sát cho biết là có sự giới hạn mới hay gia tăng đối với các thiểu số sắc tộc và tôn giáo. Các quan chức và nhân viên an ninh đã gây ra bạo lực đối với thường dân, giam giữ người dân không lý do, và vượt quá thẩm quyền pháp lý của họ. Hầu hết, các vụ bạo lực cảnh sát xảy ra trong các môi trường kém dân chủ, trong đó có 49% các quốc gia Một phần Tự do (Partly Free) và 41% các quốc gia Không Tự do (not Free) đang được xem xét, đã trải qua những hành vi lạm dụng như vậy.

Trên đây là một vài nét tổng quát về tình hình nhân quyền và dân chủ kể từ khoảng tháng Hai năm nay khi đại dịch bắt đầu lan tràn xuyên quốc gia. Những ai muốn tìm hiểu thêm có thể đọc bản báo cáo dài gần 20 trang này.

Tạp chí The Economist nhận định rằng chính quyền các nơi sử dụng quyền khẩn cấp để đối phó với đại dịch Covid-19 [9]. Tuy chính đáng, quyền lực này lại bị lạm dụng để ngăn cấm biểu tình, bịt miệng phê bình và dê tế thần thiểu số, cũng như sách nhiễu các nhà đối kháng. Các kẻ cường quyền tại nhiều nơi làm đủ thứ tệ hại vì thế giới hầu như không để ý, nói gì đến phản đối. Sẽ có Vaccine cho Covid-19 nhưng không có Vaccine nào cho sự tàn bạo. Tuy sự sợ hãi toàn cầu đi kèm với Covid-19 trong lúc này sẽ làm cho tình hình thêm ảm đạm, nhưng nó sẽ vơi dần và nhường chỗ cho sự quan tâm cho nhau khi đại dịch này đi qua.

Mặc dầu Việt Nam cũng nằm trong các quốc gia được nghiên cứu nhưng không thấy Freedom House đề cập cụ thể, như vụ án Đồng Tâm, chẳng hạn. Còn trường hợp bắt giam Phạm Đoan Trang thì chỉ mới xảy ra nên không nằm trong chứng cứ nghiên cứu của Freedom House trước tháng 10.

Dù tình hình bi quan như thế, Freedom House cũng đưa ra một nhận định lạc quan qua bản báo cáo này. Freedom House cho rằng, tuy dân chủ bị thương hại trên toàn cầu, nhưng yêu cầu của người dân khắp nơi cho dân chủ cũng không hề vì vậy mà bị dập tắt.

Phạm Phú Khải

Úc Châu, 19/10/2020

Tài liệu tham khảo:

1. Coronavirus Resource Centre, “COVID-19 Dashboard by the Center for Systems Science and Engineering (CSSE) at Johns Hopkins University (JHU)”, John Hopkins University – Medicine; Accessed on 18 October 2020.

2. “Global Economic Prospects”, World Bank; Accessed on 18 October 2020.

3. World Bank Group, “Global Monthly – September 2020”, World Bank; Accessed on 2 October 2020.

4. Stan Grant, “Has coronavirus shown us the limits of democracy, as life in the West mimics China?”, ABC News, 11 May 2020.

5. “Victoria's coronavirus cases rise by four as Premier Daniel Andrews clashes with Federal Treasurer Josh Frydenberg”, ABC News, 19 October 2020.

6. “Coronavirus Australia live news: The toughest COVID-19 restrictions in the UK could be imposed in the country's worst infection hotspots”, ABC News, 19 October 2020.

7. Jessie Yeung, “Global democracy is in crisis during the coronavirus pandemic, report finds”, CNN, 18 October 2020.

8. Sarah Repucci and Amy Slipowitz, “Democracy under Lockdown, The Impact of COVID-19 on the Global Struggle for Freedom”, Freedom House, October 2020.

9. “The pandemic has eroded democracy and respect for human rights”, The Economist, 17 October 2020.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG