Đường dẫn truy cập

G-20: Tập vắng mặt, Modi thành công


Tập Cận Bình không đến dự có thể khiến dân Ấn Độ càng ủng hộ Modi hơn; vì họ vốn sẵn ác cảm đối với Trung Cộng.
Tập Cận Bình không đến dự có thể khiến dân Ấn Độ càng ủng hộ Modi hơn; vì họ vốn sẵn ác cảm đối với Trung Cộng.

“Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh suốt 4 thập niên, bây giờ chạy chậm hơn Ấn Độ. Rất khó cho họ nuốt giận!”

Vladimir Putin không tới họp. Tập Cận Bình cũng xin kiếu. Ba ngày trước khi bắt đầu, Joe Biden vẫn chưa nói tới hay không. Người chủ trì đứng mời, Narendra Modi, có thể mất mặt. May mắn, cuối cùng Joe đã tới. Ấn Độ và Mỹ có cơ hội kết thân.

Những người vắng mặt thường chịu thiệt thòi. Vladimir Putin có lý do bận họp một Diễn Đàn Kinh tế ở Vladivostok và chuẩn bị gặp Kim Jong Un để xin mua vũ khí.

Còn Tập Cận Bình tránh mặt vì lý do nào? Không nói. Các vị “Con Trời” không bao giờ cần giải thích với ai cả; dân Trung Hoa đã quen từ lâu rồi.

Nhưng từ năm 2008, lần đầu tiên Nhóm G-20 họp, các lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc đều góp mặt – công nhận G-20, gồm 20 nước kinh tế mạnh nhất thế giới, là một tập họp quan trọng. Từ 2012, Tập Cận Bình lên ngôi cũng không bỏ qua một cuộc họp thượng đỉnh nào – trong thời gian Covid thì tham dự qua mạng.

Năm nay, Tập Cận Bình có thể muốn gửi một thông điệp: G-20 không còn quan trọng nữa! Không dự cũng không sao, cho Lý Cường đi thay – dù ai cũng biết ông thủ tướng này không có quyền quyết định.

Tập Cận Bình đang muốn nuôi khối BRICS lớn lên dần dần, sẽ cạnh tranh với G-20 trong “trật tự thế giới mới.” Trước đây BRICS chỉ có Brazil, Russia, India, Trung Cộng và South Africa; sang năm sẽ thêm Argentina, Egypt, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và United Arab Emirates, sáu nước đều do Tập đề nghị!

Tập Cận Bình còn lý do khác để tránh mặt. Dân Ấn Độ đang có ác cảm với Trung Cộng. Năm 2020 quân hai nước mới đụng trận, 20 lính Ấn Độ và 4 lính Trung Cộng thiệt mạng ở biên giới. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên ở Bắc Kinh lại mới công bố một tập bản đồ, vẫn coi vùng tranh chấp đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc (cũng gồm luôn cả vùng Biển Đông của Việt Nam). Chính phủ Narendra Modi vẫn biết phải đối phó với Trung Cộng, vì Bắc Kinh đang đổ tiền mua chuộc các nước láng giềng của họ: Nepal, Sri Lanka, Bhutan; và đang củng cố vai trò quân sự trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chính phủ Delhi chỉ lên tiếng phản đối, nhưng dân có thể sẽ biểu tình đả đảo Tập Cận Bình. Ấn Độ là một nước tự do, dân chúng vẫn quen bày tỏ thái độ của họ, không cần theo nhà nước. Năm 2020, nhiều người Ấn đã chúc mừng lễ quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc, nhân ngày Song Thập, 10 tháng 10. Sứ quán Trung Cộng công bố một bức thư phản đối, nhấn mạnh chính phủ Ấn Độ vẫn công nhận “chỉ có một nước Trung Hoa”. Đài Loan chỉ là một tỉnh. Một chính khách ở Delhi, thuộc đảng BJP của Thủ tướng Modi, theo báo Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) kể, đã in hàng trăm tấm bích chương “Chúc Mừng Quốc Khánh” với cờ “thanh thiên bạch nhật” của Trung Hoa Dân Quốc; đem tới dán khắp trên tường chung quanh tòa đại sứ Trung Cộng! Ông còn gửi một thông điệp trên mạng, chế nhạo: “Dân Ấn Độ, tôi ủng hộ chính sách Một nước Trung Hoa; Một Nước Đài Loan; Một Nước Tây Tạng; Một Nước Tân Cương, ...”

Các lãnh tụ Trung Cộng không muốn bị dân chúng một nước láng giềng biểu tình phản đối. Năm 2019, một cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research cho biết hai phần ba dân Ấn Độ có ác cảm với Trung Cộng, 65% có thiện cảm với Mỹ. Người Ấn Độ còn nghĩ rằng nước họ đang lên, Trung Cộng đang xuống.

Kinh tế Ấn Độ đang phát triển với tốc độ 7% một năm, trong khi Trung Quốc giảm xuống chưa được 5% và sẽ còn xuống nữa. Dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, sẽ còn tăng thêm vì thành phần trẻ tuổi chiếm đa số. Dân số Trung Quốc đang giảm, tới cuối thế kỷ 21 sẽ mất gần một nửa, số người già sẽ tăng lên cao hơn người trong tuổi làm việc. Mỗi năm các đại học Ấn Độ sản xuất 1.4 triệu kỹ sư, theo báo New York Times. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên gửi một phi thuyền lên nam cực của mặt trăng, ngay sau khi Nga thất bại. Với thành công này, Ấn Độ đang tiến hành kế hoạch thám hiểm mặt trời!

Bộ trưởng tài chánh Ấn Độ Nirmala Sitharaman giới thiệu với các nước G-20 thành tích của Hạ tầng Cơ sở Tin học của nước ông: Tất cả dân chúng đã được “mã số hóa,” mỗi người một “nhân dạng điện tử.” Họ có thể mua bán qua hệ thống chuyển tiền chung; nhà nước có thể gửi tiền trực tiếp vào tài khoản những người lãnh trợ cấp xã hội, hoặc được trả lại tiền thuế. Một phụ nữ bán rau có thể dùng điện thoại tìm khu chợ nào đang thiếu thứ rau mình trồng. Họ cũng có thể đi chợ, trả tiền từ trương mục của mình trên mạng. Trong năm 2024, hệ thống tin học này sẽ được tặng không cho các nước đang phát triển, nếu muốn.

Hiện nay Mỹ là nước giao thương nhiều nhất với Ấn Độ, thương vụ $130 tỷ mỹ kim một năm. Chính phủ Mỹ đã cấm đầu tư vào Trung Quốc các ngành kỹ thuật mới nhất, nhưng không hạn chế đối với Ấn Độ, và còn khuyến khích. Trong chuyến qua Mỹ vừa rồi, ông Narendra Modi đã họp với giới lãnh đạo các công ty kỹ thuật cao nhất: Tim Cook (Apple), Sundar Picha (Google) và Satya Nadella (Microsoft).

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ chỉ mua vũ khí của Liên Xô, nhưng hiện bắt đầu mua của các nước Âu châu và Mỹ. Ấn Độ đang mua 11% vũ khí từ Mỹ nhưng Nga vẫn cung cấp 45% vì vẫn cần mua các bộ phận, phụ tùng để bảo trì. Theo BBC News, General Atomics đang bán máy bay không người lái (drones) MQ-9B và sẽ lập nhà máy lắp ráp ở Ấn Độ. General Electric và Hindustan Aeronautics đang cộng tác sản xuất đầu máy cho chiến đấu cơ phản lực do Ấn Độ sản xuất. Mỹ không ngần ngại chuyển giao các kỹ thuật quân sự mới nhất.

Tuần này, ông Modi cam kết sẽ đầu tư và trợ cấp các xí nghiệp để Ấn Độ sản xuất chất bán dẫn, theo gương Đài Loan. Công ty Micron đang lập nhà máy $825 triệu mỹ kim để thử nghiệm và ráp các con chíp trong chương trình đầu tư $2.7 tỷ ở tiểu bang Gurajat. Applied Materials sẽ đầu tư $400 triệu lập một trung tâm kỹ thuật, Lam Research sẽ huấn luyện 5,000 kỹ sư ngành sản xuất chất bán dẫn.

Trong suốt năm qua, ông Narendra Modi đã cổ động hội nghị G-20 tại các thành phố lớn khắp nước, với hình ảnh của chính ông. Năm 2024, Ấn Độ sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Giống như dân chúng các nước tự do dân chủ khác, trong các cuộc bỏ phiếu người Ấn Độ chỉ quan tâm đến các vấn đề “cơm áo gạo tiền,” không chú ý đến quan hệ với các nước khác.

Nhân cuộc họp G-20, ông Modi có cơ hội tuyên truyền cho thành tích ngoại giao của chính mình: Nâng cao uy tín quốc gia khi tổ chức thành công hội nghị G-20. Tập Cận Bình tẩy chay không đến dự có thể khiến dân Ấn Độ càng ủng hộ Modi hơn; vì họ vốn sẵn ác cảm đối với Trung Cộng. Pew Research mới cho biết 31 phần trăm người Ấn Độ nghĩ rằng địa vị của Trung Cộng trên thế giới đang yếu dần. Tỷ số này tương đối nhỏ; nhưng rất đáng chú ý. Vì trong cuộc nghiên cứu dư luận toàn cầu này, không nước nào nhiều người nghĩ Trung Cộng đang suy yếu, như dân Ấn Độ! Người Ấn cũng không bi quan như vậy đối với các nước khác: Chỉ có 14% nghĩ nước Mỹ sẽ yếu hơn, 17% đối với Anh, Đức, 16% với Pháp; và 21% bi quan về Nga.

Ông Baijayant Jay Panda, phó chủ tịch đảng cầm quyền BJP, diễn tả đúng tâm trạng người dân khi giải thích chỉ vì tánh nhỏ nhen mà ông Tập Cận Bình không qua Delhi họp G-20. “Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh suốt 4 thập niên, bây giờ chạy chậm hơn Ấn Độ. Rất khó cho họ nuốt giận!”

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG