Đường dẫn truy cập

Gần 100 di dân được cứu sau gần 2 tuần lễ lênh đênh trên biển


Một tàu chở đầy người nhập cư chờ được giải cứu ngoài khơi bờ biển Libya. Ảnh chụp tháng 4, 2015.
Một tàu chở đầy người nhập cư chờ được giải cứu ngoài khơi bờ biển Libya. Ảnh chụp tháng 4, 2015.

Gần 100 di dân từ Somalia, Ai Cập và Sudan là nhóm người mới nhất được các thuỷ thủ Ý cứu vớt trên biển trong khi đang tìm cách tới bến bờ các nước Châu Âu. Thông tín viên Michael Brown của đài VOA tường thuật.

Nhà chức trách cho biết những người di dân, trong đó có khoảng mười mấy trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm, đã được đưa tới một bến cảng trên đảo Sicily của nước Ý vào đêm thứ Tư.

Bà Francine Uenuma - phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Save the Children phát biểu như sau:

"Họ kể rằng cuộc hành trình vô cùng khó khăn, họ ước tính là đã lênh đênh trên biển trên dưới 12 ngày, trong thời gian đó có 2 ngày tàu chết máy, không chạy được. Trên tàu đã hết nước đến nỗi họ phải uống nước biển. Họ không có nước để uống trong thời gian đó, và cho tới khi tàu chạy lại, họ hoàn toàn bị kẹt tại chỗ trong suốt hai ngày. "

Số người di dân sẵn sàng chấp nhận những mối rủi ro cho tính mạng để tới được Châu Âu đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Việc này đã khơi ra một cuộc tranh luận về vấn đề làm thế nào để ngăn chận làn sóng thuyền nhân.

Tổng thống Pháp Francois Hollande từng nói rằng ông muốn có một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép Liên Hiệp Âu Châu (EU) phá huỷ các tàu bè mà những kẻ buôn người sử dụng để vận chuyển hàng ngàn người di dân từ Bắc Phi tới Châu Âu.

Nhưng Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Italia, ông Francesco Rocca, cảnh báo rằng những đề nghị ném bom vào các tàu của những kẻ buôn người trước khi chúng đưa người di dân lên tàu, không phải là một giải pháp.

"Đối với chúng tôi thì đánh bom các tàu này không phải là một giải pháp. Điều này phải được xác định rõ ràng, bởi vì những kẻ buôn người sẽ tìm các con đường khác. Chúng ta không thể quên rằng các tuyến đường khác đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, từ Biển Aegean. Thậm chí có một số người đã tìm cách tìm tới bến bờ bằng cách bơi tới các hòn đảo của Hy Lạp."

Ông Rocca nói rằng tình hình người nhập cư hiện nay không phải là một cuộc khủng hoảng, nhưng theo ý kiến của ông, vấn đề là chính phủ các nước tiếp tục không đáp ứng trước một tình trạng tiến thoái lưỡng nan đã kéo dài một thập kỷ.

Trong tình huống chưa có kế hoạch tức thời để ngăn chận làn sóng người muốn nhập cư vào Châu Âu, EU đã quyết định tăng gấp 3 lần các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, sau khi bị chỉ trích về cách đáp ứng của khối này trước cuộc khủng hoảng người nhập cư.

Cam kết đó đã được đưa ra giữa lúc lại có thêm nhiều người di cư được giải cứu trên biển được đưa đến Italia, và các tang lễ được tổ chức để mai táng khoảng 900 người di dân đã chết đuối khi tàu của họ bị đắm ngoài khơi bờ biển của Libya cách đây vài ngày.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG