Người Mỹ gốc Việt duy nhất đảm nhiệm chức Trưởng Khoa tại một trường đại học của Mỹ sẽ nhận Giải thưởng Cơ hội 2014 do Tổ chức Di sản Châu Á ở Hoa Kỳ trao tặng vào ngày 22 tháng 11 năm nay.
Sau rất nhiều giải thưởng cao quý về các thành tựu đóng góp cho khoa học, đây là giải thưởng đầu tiên của Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn, Khoa trưởng trường Kỹ Sư thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA) ở thủ đô Washington DC, trong lĩnh vực quản lý giáo dục mà ông theo đuổi hàng chục năm nay.
Giáo sư Charles Cường Nguyễn xuất thân từ Đà Nẵng. Ông từng du học Đức trước khi sang Mỹ định cư năm 1978. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, ông gia nhập ban giảng huấn của đại học CUA và từ đó thăng tiến lên các cấp bậc quản lý đến vị trí Trưởng Khoa từ năm 2001.
Giải thưởng vinh danh những đóng góp của ông giúp mang cơ hội học tập đến cho các sinh viên có năng lực ở Châu Á mơ ước được đào tạo trong môi trường đại học Hoa Kỳ nhưng không đủ điều kiện.
Trong nhiều năm qua, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã mở ra nhiều chương trình hợp tác giáo dục tại Đài Loan, Ấn Độ, và Việt Nam. Trong số này có chương trình 2+2 với học bổng 50% đưa sinh viên sang Đại học Công giáo Hoa Kỳ học tiếp 2 năm cuối sau 2 năm đầu học tại Việt Nam, và chương trình hậu đại học tuyển cử nhân qua trường CUA để tu nghiệp lên tiến sĩ. Ông được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Ban giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) năm 2004.
Ông đã từng nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong lĩnh vực khoa học với các công trình nghiên cứu về toán, y khoa, và điện tử bao gồm Giải thưởng Thành tựu Trọn đời do Tổ chức World Automation Congress trao tặng năm 2009.
Ông là tác giả của hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học của Mỹ và quốc tế, và là chủ bút tập san khoa học The International Journal of Intelligent Automation and Soft Computing nói về nghiên cứu và ứng dụng kỹ nghệ.
Tạp chí Thanh Niên hôm nay có cuộc trao đổi với GS Charles Cường Nguyễn về câu chuyện thành công của ông và những chia sẻ về mối liên hệ giữa học vấn, tinh thần lãnh đạo và đóng góp cho xã hội nhân dịp ông được vinh danh Giải Di sản Gốc Á 2014.
Giáo sư Nguyễn: Tôi rất hân hạnh được Giải thưởng Di sản gốc Á 2014. Tôi đi du học Tây Đức từ 1972. Khi qua Mỹ bắt đầu làm việc ở đại học CUA, tôi nghĩ muốn thành công, muốn lên làm vai trò lãnh đạo, mình phải cố gắng làm việc gấp nhiều lần người bản xứ vì mình là người thiểu số, vẫn bị sự kỳ thị. Yếu tố chính cho sự thành công của tôi là làm việc cần cù, luôn thật lòng, và không dối trá. Chuyện quan trọng là phải được sự tin tưởng của những đồng nghiệp, họ mới cử mình lên làm lãnh đạo.
Trà Mi: Những thành công GS gặt hái được đánh dấu bằng những gian nan khổ luyện thế nào?
Giáo sư Nguyễn: Mình là người thiểu số, không ai để ý đến mình. Tôi nhớ khi mới bắt đầu làm giáo sư thực thụ, rất khó khăn, vì tôi là người đầu tiên trẻ nhất trong trường được lên làm giáo sư thực thụ. Ban tuyển chọn họ không cho mình sự dễ dãi như những người khác. Họ bắt buộc mình những điều kiện mà những người khác không bị bắt buộc. Đến khi lên làm phân khoa trưởng ngành điện, tôi cũng bị như vậy. Tất cả đồng nghiệp họ chú ý, phê bình mình không công bằng. Sau 4 năm, tôi được bổ nhiệm làm khoa trưởng trường kỹ sư. Mấy năm đầu, tôi cũng bị chỉ trích rất nhiều vì họ nghĩ mình người thiểu số, nói tiếng Anh không bằng họ, không đủ tư cách hay khả năng làm chức vụ lãnh đạo trong trường. Bởi vậy, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong 5 năm đầu trong chức vụ của tôi. Khi mới tới Mỹ, khó khăn đầu tiên là vấn đề sinh ngữ, nhưng tôi ráng hết sức để trao dồi sinh ngữ của mình. Và như mọi người mới qua đây, khó khăn nữa là vấn đề tài chính. Tôi phải vừa đi học, vừa đi làm. Sáng tôi dạy 3 lớp ban ngày. Tối tôi đi học 5 lớp. Đời sống rất vất vả trong mấy năm đầu. Đi đâu họ cũng nghĩ mình là người thiểu số không đủ khả năng.
Trà Mi: Giải thưởng vinh danh những đóng góp của GS trong việc lập ra nhiều chương trình giúp sinh viên giỏi ở Châu Á, đặc biệt là VN, không đủ điều kiện tài chính có thể theo đuổi giấc mơ khoa bảng tại đại học uy tín ở Mỹ. Mang lại cơ hội cho người trẻ thành công. Ông muốn gửi tới giới trẻ thông điệp gì qua những việc làm của mình?
Giáo sư Nguyễn: Tôi muốn nói với các sinh viên Việt Nam, thứ nhất cần phải cần cù học tập để được tuyển chọn vào các chương trình du học như của đại học CUA. Ngoài ra, nếu có cơ hội, các em nên học nhiều hơn những gì trường lớp dạy. Quan trọng nhất cho sự thành công là phải thành thật. Những yếu tố đó sẽ giúp các em thành công trong tương lai.
Trà Mi: Những yếu tố nào khiến GS chú ý đến sinh viên Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn: Tôi đã đi rất nhiều nước để thực hiện các chương trình giáo dục nhưng tôi chú trọng đến Việt Nam vì mình là sinh trưởng ở đó, mình có bổn phận giúp giới trẻ Việt Nam thành công trong tương lai. Tôi nghĩ người Việt, nhất là giới trẻ, có sự thông minh và bản chất rất cần cù. Có những yếu tố đó sẽ giúp họ xây dựng Việt Nam trong tương lai. Ba yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công là học vấn, tinh thần lãnh đạo và đóng góp cho xã hội..…