Đường dẫn truy cập

Gia đình, công chúng thỉnh cầu Chủ tịch Việt Nam hoãn tử hình Nguyễn Văn Chưởng


Ông Nguyễn Trường Chinh điểm chỉ thỉnh nguyện thư bằng máu, xin Chủ tịch Việt Nam tạm hoãn thi hành án tử hình của con là Nguyễn Văn Chưởng, 6/8/2023.
Ông Nguyễn Trường Chinh điểm chỉ thỉnh nguyện thư bằng máu, xin Chủ tịch Việt Nam tạm hoãn thi hành án tử hình của con là Nguyễn Văn Chưởng, 6/8/2023.
Cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và hàng nghìn người khác trong 4 ngày nay gửi lời thỉnh cầu đến Chủ tịch nước Việt Nam xin tạm hoãn thi hành án tử hình của Chưởng, nhưng chưa có hồi đáp từ nhà lãnh đạo. Một luật sư nắm rõ vụ án nói nếu thi hành án sẽ là “sai lầm đặc biệt nghiêm trọng”, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước.

Đưa thông tin lên internet, cha mẹ của ông Chưởng cho biết Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng gửi công văn đề ngày 4/8 thông báo cho gia đình biết họ “có quyền làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình” và cần gửi đơn trong vòng 3 ngày làm việc.

Ngay sau khi nhận thông báo, ông Nguyễn Trường Chinh, người cha của ông Nguyễn Văn Chưởng, đã làm đơn gửi Chủ tịch Võ Văn Thưởng của Việt Nam “kêu cứu hoãn thi hành án tử hình”, đồng thời ông Chinh và gia đình cũng kêu gọi công chúng Việt Nam lên tiếng cùng. Đã 16 năm qua, ông Chinh không ngừng kêu oan cho con, kể cả dùng máu viết thư gửi các nhà lãnh đạo.

Ông Chưởng, sinh năm 1983, bị bắt ngày 2/8/2007 vì bị tình nghi là chủ mưu một vụ đâm chém, cướp của làm chết một thiếu tá cảnh sát hình sự ở Hải Phòng. Hai người khác bị xác định là đồng phạm của ông Chưởng. Các phiên tòa sau đó tuyên ông có tội và phải chịu án tử hình, hai người kia chịu án 23 năm tù giam và chung thân.

Cha mẹ ông, các luật sư, báo chí nhiều lần nêu ra những chứng cứ cho thấy ông ngoại phạm, bị bức cung và bị kết án oan, nhưng các cơ quan có thẩm quyền không thay đổi phán quyết.

Trong đơn kêu cứu mới nhất, với điểm chỉ bằng máu bên dưới chữ ký, người cha Nguyễn Trường Chinh một lần nữa khẳng định những điều như sau: Nguyễn Văn Chưởng là người vô tội, bị cán bộ điều tra thuộc công an Hải Phòng tạo dựng hồ sơ hãm hại; Chưởng không có mặt ở nơi xảy ra vụ án; không có nhân chứng, vật chứng chính xác, cụ thể; có sự vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.

Đồng hành, tiếp sức cho lời kêu cứu của ông Chinh và gia đình là gần 3.500 người ký vào một thỉnh nguyện thư trên trang Avaaz.org và hàng nghìn người khác gửi tin nhắn đến số điện thoại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hãy tạm hoãn thi hành án.

Đến chiều 7/8, vẫn chưa rõ ông Thưởng đưa ra quyết định gì cũng như tình hình của tử tù Nguyễn Văn Chưởng ra sao. Trong ngày 7/8, mẹ của ông Chưởng là bà Nguyễn Thị Bích cho VOA biết rằng chồng bà, ông Nguyễn Trường Chinh, bị đột quỵ khi đang kêu cứu trước Trụ sở Tiếp dân Trung ương tại Hà Đông thuộc Hà Nội.

Trong số những tiếng nói thúc giục Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tạm hoãn thi hành án đối với ông Chưởng có luật sư Lê Văn Hòa, người nắm rõ vụ án.

Luật sư Hòa cho VOA biết ông từng là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, thuộc Đảng Cộng sản, và trực tiếp được giao nhiệm vụ xem xét lại đơn kêu oan về vụ án của ông Nguyễn Văn Chưởng trong giai đoạn 2012-2014.

Sau đó, ông Hòa có thời gian làm luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con.

Từ những thông tin nắm được, luật sư Hòa nói với VOA rằng ông “kêu gọi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hãy chỉ đạo Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng dừng việc thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng”.

Vẫn vị luật sư khẳng định rằng “Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình oan, vì rất nhiều vi phạm tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa được làm rõ!” và ông đề nghị các cơ quan liên quan “kiểm tra, làm rõ các kiến nghị của tôi trong 10 năm qua”.

Ông Hòa dành hơn 30 phút với VOA để tóm tắt lại vụ án, tập trung nhấn mạnh các điểm gồm: lời khai của các bị cáo và nhân chứng có nhiều mâu thuẫn; Chưởng có bằng chứng ngoại phạm là ở xa hiện trường vụ án khoảng 40 kilomet ở thời điểm xảy ra án mạng; có vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ hiện trường nên các dấu vết, vật chứng bị mất, bị xáo trộn; ảnh chụp và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ngoài vụ đâm chém lúc 21h ngày 14/7/2007, thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh có thể đã bị tấn công ở địa điểm khác, bằng vũ khí khác trước đó; bản chất vụ án có thể là ông Sinh bị giết vì lý do khác chứ không phải vì bị cướp của.

Giờ đây, khi tính mạng của ông Nguyễn Văn Chưởng hết sức mong manh và có nhiều lời kêu cứu của gia đình và công chúng, luật sư Hòa mong điều đó có thể làm lay động nguyên thủ của đất nước:

“Tôi cũng hy vọng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có chỉ đạo để cho Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ ra quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng. Các thông tin đến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rồi, tôi không nghĩ rằng Chủ tịch nước sẽ vô tâm mà lặng im không có động thái gì để ngăn chặn việc thi hành án Chưởng trong thời điểm này”.

VOA cố gắng liên lạc với người đứng đầu nhà nước Việt Nam để tìm hiểu xem ông cân nhắc, quyết định ra sao nhưng không kết nối được.

Vẫn luật sư Hòa lưu ý rằng sinh mạng con người là vẫn đề hết sức to lớn và ông bình luận:

“Nếu thi hành tử hình Nguyễn Văn Chưởng, nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng đây là sai lầm đặc biệt nghiêm trọng mà không có bất cứ cơ hội nào để các cơ quan tố tụng vụ án này, đặc biệt là ông chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng có cơ hội để sửa sai”.

Ông Hòa cho biết ông tin một lúc nào đó vụ án Nguyễn Văn Chưởng sẽ được kiểm tra, làm rõ, lật lại. Khi đó, giả định rằng án tử hình đã thi hành, ông Chưởng đã chết rồi, “ai sẽ là người đền mạng cho Nguyễn Văn Chưởng?”, luật sư Hòa đặt câu hỏi.

Một lần nữa, vị luật sư nhấn mạnh cần phải tránh để xảy ra “sai lầm đặc biệt nghiêm trọng” vì đó không chỉ là sai lầm của riêng tòa án Hải Phòng mà còn là trách nhiệm của nền tư pháp Việt Nam.

Điều rõ ràng là nếu những người có thẩm quyền vẫn dấn tới với quyết định thi hành án, gia đình ông Nguyễn Trường Chinh sẽ phải chịu mất mát rất lớn lao không gì có thể bù đắp là mất con, luật sư Hòa nói với VOA, đồng thời đưa ra cảnh báo về hệ lụy to lớn cho đất nước và những người cầm quyền:

“Tôi cho là có mất mát còn lớn hơn thế nữa, đó là niềm tin của người dân Việt Nam vào nền tư pháp này, vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đấy mới là mất mát lớn nhất trong vụ án này, nếu như sau này vụ án được lật lại, được kiểm tra và kết luận Nguyễn Văn Chưởng bị oan, thì đó là cái mất lớn nhất là đối với đất nước Việt Nam này, đối với uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cũng như uy tín của các cơ quan tố tụng Việt Nam”.

Chủ tịch nước Việt Nam ông Võ Văn Thưởng hồi cuối tháng 3 từng lưu ý với ngành tòa án của đất nước rằng “không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai” khi ông họp với giới lãnh đạo Tòa án Tối cao.

Trong cuộc họp với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Thưởng nêu bật nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án Việt Nam là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Chủ tịch Thưởng khi đó nhấn mạnh rằng mỗi phán quyết, quyết định của tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là sinh mạng con người, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vì thế không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai hoặc với yêu cầu cao là không được để xảy ra sai.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG