Đường dẫn truy cập

Gia đình Trần Huỳnh Duy Thức nói bị cản trở thăm nuôi, tù nhân tuyệt thực tiếp


Cổng Trại giam số 6, nơi Trần Huỳnh Duy Thức bị giam giữ (Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Cổng Trại giam số 6, nơi Trần Huỳnh Duy Thức bị giam giữ (Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)

Gia đình của tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức cho biết chuyến thăm nuôi của họ chiều ngày thứ Bảy bị cắt ngắn sau khi bắt đầu được vài phút và họ bị cưỡng chế rời đi ngoài ý muốn, trong khi ông Thức tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tuyệt thực đã kéo dài hơn một tháng để phản đối sự đối đãi này.

Sự việc này xảy ra giữa lúc đang có nhiều lo ngại về tình hình sức khỏe của nhà hoạt động này sau khi ông tuyên bố tuyệt thực hồi giữa tháng 8 để phản đối việc trại giam ra qui định mới hạn chế thư tín đối với ông cũng như phản đối sức ép từ nhà chức trách buộc ông phải nhận tội.

Ông Thức, một trong những gương mặt nổi bật nhất của phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam, bị tuyên án 16 năm tù vào năm 2009 về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án Việt Nam trừng phạt ông vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.

Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái và là một trong ba người vào thăm nuôi ông tại Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cho biết ông Thức “ốm và xanh xao” nhưng “không tiều tụy” và “tinh thần vẫn ổn.” Cuộc thăm nuôi diễn ra chỉ trong vỏn vẹn năm phút, theo ước tính của bà, và gia đình “hoàn toàn không trao đổi gì được hết” vì bị quản giáo trại giam cản trở.

“Họ ra một cái chỉ thị là phải ‘nói đúng nội dung,’” bà Liên thuật lại với VOA qua điện thoại từ Nghệ An. “Thức hỏi như thế nào là ‘đúng nội dung’ thì anh ta nói, ‘Tôi có lệnh như vậy.’ Thức nói là không có lệnh nào như vậy trên luật hết. Anh ta nói, ‘Tôi có quyền ngưng cuộc nói chuyện này nếu anh không chấp hành.”

Bà kể tiếp:

“Lúc đó họ mời Thức vô và không cho gặp nữa thì Thức mới nói là, ‘Tôi mệt tôi không đi được.’ Họ mời tiếp một hai lần như vậy nữa mà Thức vẫn ngồi đó. Sau đó họ mới kêu người ra rất là đông và họ cưỡng chế Thức bằng cách cho hai người xốc nách từ đằng sau. Gia đình chúng tôi lúc đó cũng la lên phản đối nhưng mà họ cứ làm.”

Bà cho biết trước sự đối đãi này, ông Thức tuyên bố sẽ tiếp tục tuyệt thực dù trước đó ông có ý định chấm dứt tuyệt thực trong ngày thứ Bảy.

Bà nói sau đó thì gia đình bị mời ra ngoài nhưng họ cứ ngồi đó và đòi phải gặp được ông Thức. Nhưng đòi hỏi này đã không được đáp ứng và cũng không có lời giải thích nào được đưa ra, theo lời bà. Sau đó bà và hai người thân nữa - một người chị gái và một cô con gái - bị công an mang dùi cui cưỡng chế rời khỏi trại giam.

Bà Liên cho biết gia đình đã hủy chuyến bay về Sài Gòn trong cùng ngày và nghỉ lại một đêm ở Nghệ An để có thể tiếp tục đến trại giam đòi thăm nuôi ông Thức vào Chủ nhật.

“Đó là tiêu chuẩn của mình trong một tháng và chúng tôi chưa được đáp ứng điều đó,” bà nói.

Một số nhà hoạt động đã bày tỏ tình đoàn kết bằng cách đồng hành với gia đình đến trại giam. Họ kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ bên ngoài cổng trại dưới sự theo dõi của “một lực lượng đông đảo bất thường những nhân viên công vụ mặc sắc phục và không mặc sắc phục,” theo mô tả của nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh.

Trước đó trong tuần này, nhiều cá nhân và tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam đã lập thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Tối cao và các cơ quan khác, yêu cầu xem xét vụ án của ông Thức dựa trên luật pháp hiện hành và đòi trả tự do cho ông Thức ngay lập tức. Họ lập luận rằng “trường hợp của ông đáp ứng các điều kiện luật định để được hưởng mức hình phạt thấp hơn mức án 16 năm tù mà ông đã bị tuyên phạt.”

Một số người cũng đã tuyên bố tuyệt thực đồng hành với ông Thức. Các buổi lễ cầu nguyện tập thể đã diễn ra ở một số nơi trong nước với sự tham gia của các tín hữu Kitô giáo và Phật giáo, từ Nghệ An tới Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đầu tháng 8, Bộ Công an nói Nhà nước chưa có chủ trương đặc xá năm 2018 nên không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho ông Thức.

VOA Express

XS
SM
MD
LG