Đường dẫn truy cập

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine


Phe nổi dậy thân Nga tuần tra tại Slovyansk.
Phe nổi dậy thân Nga tuần tra tại Slovyansk.
Cuộc khủng hoảng ở nước Cộng Hòa Ukraine vùng Đông Âu khởi sự từ tháng 11-2013 với các cuộc biểu tình của quần chúng ủng hộ phe đối lập đòi Tổng thống nước này là Viktor Yanukovych mà bao lâu nay có chính sách thân và lệ thuộc nước Cộng Hòa Liên Bang Nga phải từ chức vì đã từ chối ký vào thỏa ước tham gia Liên Minh Châu Âu.

Từ đó có những diễn biến ngày một nghiêm trọng do những tác nhân bên ngoài, đưa đến việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và đoàn tùy tùng phải tháo chạy qua Nga (ngày 21-2-2014); rồi Quốc hội Ukraine biểu quyết truất phế Tổng thống Viktor Yanukovych cử Oleksandr Turchinov làm Tổng thống thành lập chính phủ lâm thời với Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk (22-2-2014); dẫn đến hành động Quốc hội Nga biểu quyết sát nhập bán đảo Crimea nằm phía Nam của Ukraine vào nước Nga, dựa trên kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vội vã vào ngày 16-3-2014 dưới áp lực của lực lượng võ trang Nga.

Cuộc khủng hoảng đến nay vẫn chưa chấm dứt mà lan rộng xuống các thành phố vùng phía Đông của Ukraine. Chính quyền Kiev và các nước phương Tây lo ngại kịch bản tương tự sẽ được áp dụng ở miền đông Ukraina. Tại đây các lực lượng của chính phủ Ukraine phải đối đầu với phe nổi dậy thân Nga, đòi sáp nhập vào nước Nga hay ít nhất phải «liên bang hóa» Ukraine để các địa phương có quyền hành rộng rãi. Nghĩa là các diễn biến và yêu sách tương tự của những người Ukraine gốc hoặc thân Nga chiếm hơn 60% ở Crimea đã làm qua trưng cầu dân ý ngày 16-3-2104 vừa qua, đi đến sát nhập vào nước Nga.
Người biểu tình thân Nga đeo mặt nạ đứng canh gác cạnh các chướng ngại vật bên ngoài một tòa nhà chính phủ trong khu vực Donetsk, miền đông Ukraine.
Người biểu tình thân Nga đeo mặt nạ đứng canh gác cạnh các chướng ngại vật bên ngoài một tòa nhà chính phủ trong khu vực Donetsk, miền đông Ukraine.

Cho đến nay giải pháp chung cuộc để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine thì chưa có, mà mới chỉ có những biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao có tính cảnh cáo, đe dọa lẫn nhau do các bên tranh chấp đưa ra nhằm thúc đẩy cho việc thành tựu giải pháp chung cuộc. Thành tựu sơ khởi và mới nhất là qua hội nghị bốn bên Ukraine ,EU, Mỹ và Nga ở Genève hôm 17-4-2014 vừa qua đã đạt được sự đồng thuận về một giải pháp sơ khởi có tính toàn diện nhằm thành đạt 6 yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Các bên cần kiềm chế các hành động bạo lực, đe dọa và khiêu khích.

2. Các nhóm vũ trang không chính quy phải giải giới và rời khỏi các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép.

3. Một lệnh ân xá được đảm bảo cho những người biểu tình tự nguyện chấp hành, trừ các tội phạm nghiêm trọng.

4.Hội nghị cũng thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong việc Kiev và các địa phương thực thi nhóm biện pháp giảm căng thẳng, thậm chí là cử quan sát viên nếu cần.

5.Quy trình cải tổ hiến pháp của Ukraine cần toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm, bao gồm tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi và giải thích rõ ràng ở tất cả các vùng miền.

6.-Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định nền kinh tế, tài chính cho Ukraine, sẵn sàng thảo luận các biện pháp hỗ trợ bổ sung trong khuôn khổ thực hiện các yêu cầu trên.

Tuy nhiên giải pháp vừà thành tựu mới chỉ nhằm "giảm căng thẳng và đảm bảo an ninh cho tất cả các công dân Ukraine" , cũng là nhằm làm giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng được coi là nguy hiểm nhất hậu Chiến Tranh Lạnh. Vì vậy bên cạnh sự lạc quan đã có sự dè dặt và hoài nghi về sự thành tựu những yêu cầu đồng thuận trên thực tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông rất phấn khởi với việc bốn bên đạt được thỏa thuận trên và hy vọng các bên "có thái độ nghiêm túc trong việc thực thi thỏa thuận".Trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama là một trong những ngưới đã bầy tỏ thái độ hoài nghi về tương lai của thỏa thuận mới này.
Người biểu tình thân Nga sưởi ấm cạnh các chướng ngại vật với quốc kỳ Nga ở Donetsk, ngày 20/4/2014.
Người biểu tình thân Nga sưởi ấm cạnh các chướng ngại vật với quốc kỳ Nga ở Donetsk, ngày 20/4/2014.

Theo AFP dẫn lời Tổng Thống Obama nói "Chúng tôi sẽ không tính đến thỏa thuận, nếu chưa nhìn thấy nó được thực thi"; và rằng. "Tôi không cho rằng chúng ta có thể chắc chắn bất kỳ điều gì vào thời điểm này". Tuy nhiên, Ông vẫn hy vọng về khả năng tìm được một giải pháp ngoại giao giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng đồng thời người lãnh đạo hàng đầu cường quốc Hoa Kỳ cũng cảnh cáo về các lệnh trừng phạt bổ sung với Nga nếu tình hình căng thẳng không có tiển triển, như để thúc đẩy cho việc thực thi thỏa hiệp bốn bên vừa đạt được. Lời cảnh cáo này dường như cũng đề dáp lại lời tuyên bố trước đó của Tổng Thống Nga Vladimir Putin (Tác nhân chính của cuộc khủng hoảng) ngụ ý đe dọa, rằng ông hy vọng không phải dùng đến quyền triển khai quân đội Nga tại Ukraine trong khi căng thẳng và bạo lực đang gia tăng do mâu thuẫn giữa những người ở Đông và Nam Ukraine với chính quyền trung ương Kiev.

Như vậy giải pháp mới đạt được có tính nguyên tắc trên đây chỉ có thế trở thành giải pháp chung cuộc để chấm dứt được cuộc khủng hoảng Ukraine nếu việc thực thi các yêu cầu của thỏa hiệp phải dẫn đến giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn quyền lợi giữa các bên tương tranh, vốn là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng. Dự kiến hai kịch bản để thành đạt giải pháp chung cuộc:

1.Ukraine lấy lại được Crimea đã bị Nga xâm chiếm bằng thủ thuật chính trị, với sự chấp nhận về một thể chế Liên Bang theo yêu cầu 5 của Thỏa ước vừa đạt được , tiếp tục chính sách thân và lệ thuộc Nga như trước cuộc hoảng hay ít ra như lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói. "Ukraine chỉ có thể mạnh khi trở thành cây cầu nối giữa Đông và Tây".Nghĩa là chính quyền Kiev phải thực hiện chính sách trung lập, thân và lệ thuộc cả Nga lẫn Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ, không ngả hẳn về bên nào.

2. Ukraine chấp nhận mất vĩnh viễn Crimea đã bị sát nhập vào lãnh thổ Nga, để đối lấy chủ quyền lựa chọn thể chế chính trị và quyền tham gia khối Liên Minh Châu Âu hay thực hiện chính sách trung lập, thân và lệ thuộc cả Nga lẫn Liên Hiếp Châu Âu và Hoa kỳ, không ngả hẳn về bên nào, để được sự hổ trợ mọi mặt cả Đông lẩn Tây.

Trên thực tế kịch bản nào sẽ được các bên thực hiện nhằm thành đạt giải pháp chung cuộc chấm dứt được cuộc khủng khoảng Ukraine kéo dài mất tháng qua, chúng ta hãy chờ xem.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG