Giám đốc CIA đã bênh vực cơ quan tình báo này trong một cuộc họp báo hiếm hoi, sau khi Thượng viện công bố bản phúc trình cho rằng nhân viên CIA đã sử dụng tra tấn trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Tuy nhiên, ông John Brennan cũng nói cơ quan này đôi lúc có khuyết điểm. Đây là một sự nhìn nhận được đưa ra vào lúc có những lời kêu gọi đòi CIA và nước Mỹ phải chịu tránh nhiệm. Thông tín viên Đài VOA Jeff Seldin tường thuật từ Washington.
Giám đốc CIA John Brennan đã lên tiếng bênh vực cho cơ quan của ông. Ông nói rằng cơ quan này luôn cố gắng làm việc đúng đắn trong khi phải đối mặt với những “sự lựa chọn vô cùng khó khăn.”
Tuy nhiên, ông công nhận là một số nhân viên “đã vượt quá giới hạn”:
“Trong một số trường hợp có giới hạn, các nhân viên của cơ quan đã dùng những kỹ thuật thẩm vấn không được cho phép, những kỹ thuật đáng kinh tởm và đáng bị mọi người phỉ nhổ. Và chúng tôi đã có khuyết điểm trong việc buộc một số nhân viên phải chịu trách nhiệm đối với những sai lầm của họ.”
Ông Brennan cũng nhắc lại lập luận là điều được gọi là “thẩm vấn mạnh tay” -- bao gồm trấn nước, không cho ngủ, có thể tạo nên một sự khác biệt:
“Những người bị giam, đối tượng của những kỹ thuật thẩm vấn mạnh tay, đã cung cấp những tin tức có ích, và được sử dụng trong cuộc hành quân cuối cùng chống lại bin Laden.”
Có mối liên hệ trực tiếp giữa những cuộc thẩm vấn này và việc hạ sát bin Laden, lãnh tụ của al-Qaida, hay không thì ông Brennan không nói đến.
Và việc bênh vực như vậy không làm chấm dứt những lời kêu gọi đòi CIA và những cơ quan khác phải chịu tránh nhiệm về những hoạt động này, những hoạt động mà Liên hiệp quốc xem là tra tấn.
Phát ngôn viên của Tổng Thư Ký Liên hiệp quốc Stephane Dujarric nói:
“Việc này nên là sự bắt đầu của một tiến trình. Vấn đề trách nhiệm là một vấn đề hết sức quan trọng.”
Việc buộc các giới chức dính líu tới tra tấn phải chịu trách nhiệm có lẽ rất khó xảy ra trên nước Mỹ. Ngày hôm qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói Bộ Tư pháp đã xem những chứng cứ trong phúc trình của Thượng viện. Ông nói:
“Những điều các công tố viên liên bang đã nói là họ không có đủ chứng cứ để truy tố bất kỳ một người nào.”
Ông Richard Kelsey, Phụ tá Khoa trưởng trường Luật George Mason, nói rằng tuy những nỗ lực quốc tế có thể được thực hiện, nhưng đó là một việc rất đỗi phức tạp:
“Những điều có thể làm được trên phương diện pháp lý luôn luôn đi ngược với những gì chúng ta có thể làm được trên thực tế và trên phương diện chính trị.”
Tuy có phần chắc sẽ không xảy ra, nhưng các cuộc điều tra mới tại những quốc gia có những nơi được gọi là “những địa điểm bí mật” do CIA điều hành, như Ba Lan, Romania và Afghanistan, có thể dẫn tới chỗ đưa vấn đề ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Về việc này, bà Jennifer Daskal, giáo sư Trường đại học American University và là một cựu viên chức Bộ Tư pháp, nói với đài VOA như sau.
“Nếu tôi là một giới chức bị nêu tên trong bản phúc trình là có tham gia vào sự phát triển và giám sát chương trình này, thì chắc chắn là tôi sẽ không tới các nước châu Âu trong thời gian tới đây.”
Phó giám đốc Human Rights Watch, bà Andrea Prasow, nói rằng cho dù phúc trình của Thượng viện có thể cho phép những người bị giam giữ theo đuổi những vụ kiện tại Hoa Kỳ, thì vấn đề này cũng không được đưa ra tòa án hình sự mà sẽ là một vụ kiện dân sự để đòi bồi thường:
“Hiện nay chúng tôi có 500 trang tài liệu, trong đó những vụ vi phạm được ghi nhận một cách đầy đủ và có rất nhiều chi tiết. Những người được nêu tên trong phúc trình, những nạn nhân được nêu tên trong phúc trình, có thể nộp đơn kiện và được tòa án phân xử.”
Tuy chưa có một vụ phân xử như thế, nhưng Hoa Kỳ và CIA đang phải đối mặt với một vụ xét xử bởi một tòa án là tòa án công luận.