Đường dẫn truy cập

Giao tranh làm lu mờ lễ kỷ niệm 5 năm độc lập của Nam Sudan


Binh sĩ và cảnh sát Nam Sudan đứng gác dọc theo một con đường sau một trận giao tranh ở thủ đô Juba, Nam Sudan, 10/7/2016.
Binh sĩ và cảnh sát Nam Sudan đứng gác dọc theo một con đường sau một trận giao tranh ở thủ đô Juba, Nam Sudan, 10/7/2016.

Nam Sudan đánh dấu 5 năm độc lập giữa những vụ đụng độ ác liệt làm ít nhất 275 người thiệt mạng kể từ ngày thứ năm tuần trước. Bạo động tiếp tục vào lúc các nhà lãnh đạo các phe phái đối lập gặp nhau để thảo luận về việc thi hành kế hoạch hòa bình. Hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập một phiên họp khẩn để giải quyết vòng bạo động mới nhất tại quốc gia trẻ nhất thế giới này.

Tổng thống Salva Kiir và đối thủ là Phó Tổng thống thứ Nhất Riek Machar đã cùng xuất hiện để chứng tỏ tình đoàn kết vào ngày thứ sáu tuần trước, là ngày trước lễ độc lập, nhưng những cuộc chạm súng dữ dội vẫn không chấm dứt.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir nói: “Không làm gì được cả về chuyện này, nhưng chúng ta phải tiếp tục tìm cho ra một giải pháp.”

Ông Machar trở lại Juba vào tháng 4 năm nay, một hành động được xem như là một bước để chấm dứt giao tranh. Nhưng những vụ đụng độ làm nhiều người chết bùng ra cuối ngày thứ năm và tiếp tục trong khi ông Kiir và ông Machar gặp nhau trong một nỗ lực tháo gỡ những căng thẳng.

Phó Tổng thống thứ Nhất Nam Sudan Riek Machar nói: “Việc này làm gián đoạn một tiến trình tốt đẹp mà chúng tôi đã khởi xướng.”

Giao tranh tiếp tục nêu lên câu hỏi là liệu tổng thống và người phụ tá của ông có thể kiểm soát những lực lượng của họ hay không.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng ta ghi nhận là giới chức lãnh đạo cao cấp tại Juba đang dự một cuộc họp vào lúc những xung đột bắt đầu. Các nhà lãnh đạo ấy đã đảm bảo với chúng ta về cam kết của họ giải quyết những căng thẳng leo thang trong những ngày gần đây.”

Nam Sudan lâm vào cuộc nội chiến sau khi tổng thống, thuộc sắc tộc Dinka, cách chức phó tổng thống thứ nhất của ông, thuộc sắc tộc Nuer, vào tháng 12 năm 2013. Thỏa thuận hòa bình đạt được vào tháng 8 năm ngoái, phục chức cho ông Machar, không tạo ra sự khác biệt nào cả.

Bà Melissa Fleming thuộc Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Geneva nói: “Mặc dù thỏa thuận hòa bình chính thức chấm dứt cuộc nội chiến vào tháng 8 năm ngoái, nhưng xung đột và bất ổn định đã lan sang những khu vực không bị ảnh hưởng trước đây, và đây thực sự là điều đáng lo ngại.”

Liên Hiệp Quốc nói không có ai trong số 2,5 triệu người sơ tán vì bạo động trong 3 năm qua có thể trở về nhà. Trong khi đó có thêm nhiều người phải rời bỏ nhà cửa. Ngay cả những khu vực của Liên Hiệp Quốc và những địa điểm bảo vệ thường dân tại Juba cũng mắc kẹt trong vòng lửa đạn trong một vài ngày qua, khiến cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phải giận giữ kêu gọi hai ông Kiir và Machar xuống thang thù nghịch.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua mạnh mẽ lên án bạo động.

Đại sứ Koro Bessho, chủ tịch Hội đồng Bảo an nói: “Các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công vào thường dân và những cơ sở và nhân viên của Liên Hiệp Quốc có thể cấu thành tội phạm chiến tranh.”

Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng đang cứu xét việc tăng cường các lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế tại nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG