Lực lượng Iraq tiếp tục chiến đấu để dành từng tấc đất, từng ngôi nhà từ tay của tàn quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Mosul giữa lúc các giới chức chính quyền ăn mừng chiến thắng.
Binh sĩ Iraq miêu tả các trận giáp chiến giờ chót là ác liệt nhất trong trận chiến với phiến quân IS, khi họ xông vào từng ngôi nhà nơi tàn quân IS đang ẩn trốn, trong tư thế sẵn sàng tự sát với áo vét cài bom trên người.
Chiều tối hôm Chủ nhật ở thành phố Mosul, đoàn xe của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi rời khỏi "thành phố Mosul vừa được giải phóng." Một số dân địa phương hào hứng tụ tập để mừng chuyến thăm của thủ tướng al-Abadi, và dùng điện thoại di động sẵn sàng ghi hình.
Phần lớn thành phố Mosul đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng Iraq, trong khi phiến quân IS bị dồn lại trong một khu vực chừng 200 mét vuông. Các binh sĩ Iraq cho biết tàn quân IS còn cố thủ là những kẻ cuồng tín; đa số không phải là người Iraq, và đối với họ, mỗi cuộc đụng độ là một trận chiến cho đến chết.
Từ tuyến đầu mặt trận hôm Chủ Nhật Barak Razaq, một quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt Iraq, báo cáo:
"Họ hét lớn với chúng tôi: hãy ra khỏi lãnh thổ Hồi giáo này, những kẻ vô đạo! Rồi chúng tôi trông thấy họ mặc áo gài bom để tự sát, chúng tôi ném lựu đạn về phía họ, rồi rút lui và cầu viện không kích."
Theo các binh sĩ Iraq thì ước tính có khoảng từ 100 đến 150 phần tử IS vẫn đang quyết chiến ở Mosul. Các binh sĩ chính phủ nói họ đang tập trung tìm cách triệt hạ càng nhiều phiến quân IS càng tốt. Họ hy vọng trận chiến sẽ hoàn toàn chấm dứt trong những ngày tới, để tiếp tục tiến vào các thành phố và thị trấn khác còn do IS kiểm soát. Ngoài ra, quân đội Iraq phải tiếp tục truy quét những tổ khủng bố đang ẩn mình trong thường dân ở Mosul, để chờ được kích hoạt.
Hàng ngàn thường dân đã bị sát hại trong trận chiến này, 900.000 người đã bị buộc phải dời cư. Nhiều dải đất rộng lớn của thành phố Mosul và các thị trấn và làng mạc xung quanh đã bị bỏ trống, nhiều người nói họ không cảm thấy an toàn khi trở về nhà.
Tại một số khu vực ở Đông Mosul, được lực lượng Iraq tái chiếm hồi tháng 1, tiến trình phục hồi có vẻ hứa hẹn hơn. Người tiêu thụ tràn ngập các đường phố, một số con đường vừa được lát gạch, phần lớn do bị không kích. Chính phủ đã khôi phục dịch vụ cung cấp điện và nước ở nhiều thành phố.
Vùng Tây Mosul về phần lớn bị phá hủy nhưng quân đội Iraq hy vọng công cuộc tái thiết sẽ bắt đầu ngay khi trận chiến kết thúc.
Cựu đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey giờ là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông ở Washington nói với VOA rằng các nỗ lực cứu trợ và khôi phục chỉ là bước đầu sau khi tái chiếm thành phố Mosul.
Ông nói: "bước thứ nhì,tất nhiên là chính trị, như vẫn thường xảy ra ở Iraq. Làm thế nào để ngăn, không cho ISIS quay trở lại hoặc một tình huống tương tự nào đó, và làm thế nào để thống nhất thành phần Ả Rập Sunni và giữ người Kurd lại, là lực lượng tham gia đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến nhưng vẫn là một thế lực riêng rẽ. Đó là những vấn đề lớn mà chúng ta đã phải đối mặt từ năm 2003 tới bây giờ."