Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ 'vẫn muốn là cường quốc Thái Bình Dương'


Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời.

Tại hội nghị về liên minh giữa Hoa Kỳ với Australia và Nhật Bản diễn ra hôm 30/1 ở Canberra, Australia, các giới chức Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết là một cường quốc Thái Bình Dương dù có thể có những thay đổi về chính sách dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.

Ông John Hennessey-Niland, cố vấn chính trị tại tòa đại sứ Mỹ ở Australia nói các đồng minh của Mỹ ở vùng châu Á Thái Bình Dương có thể an tâm là Thái Bình Dương vẫn là một trọng tâm trong các lợi ích của Mỹ dưới chính quyền mới. Ông cũng cho biết thêm rằng các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin sẽ gia tăng.

Đại sứ John Hennessey-Niland phát biểu tại hội nghị được tổ chức ở Trường đại học Quốc gia Australia rằng “Chúng ta đang trong thời kỳ thay đổi và chuyển tiếp. Lợi ích quốc gia Hoa Kỳ không thay đổi. Hoa Kỳ vẫn muốn là một cường quốc Thái Bình Dương và ủng hộ cũng như củng cố những mối quan hệ hai bên, ba bên, đa phương nối kết vùng này với nhau.

Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời, dù Thủ tướng Anh Theresa May trong tuần rồi, sau cuộc họp với Tổng thống Trump, đã tuyên bố là ông Trump ủng hộ NATO “100%”.

Bà Amy Searight, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho đến năm 2016, nói ông Trump “dường như rút lại những luận điệu thời tranh cử” liên hệ đến các đồng minh của Mỹ. Bà hoan nghênh chuyến viến thăm Washington D.C của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào đầu tháng 2 tới đây.

Bà Searight nói thêm các kế hoạch của ông Trump gia tăng các chiến hạm Mỹ từ 270 lên 350 chiếc có thể dẫn đến việc xuất hiện thêm nhiều tàu chiến Mỹ nữa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác đồng minh.

Bà nói tiếp, nguyên nhân đằng sau chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama - sự cần thiết để Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đáp ứng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng - là vẫn còn.

Bà Searight hiện là giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhấn mạnh “logic về tái cân bằng tại châu Á vẫn hùng hồn, dựa trên lợi ích lâu dài của nước Mỹ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của hai đảng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng một sự cam kết và chú trọng vào vùng châu Á-Thái Bình Dương.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG