Đường dẫn truy cập

Giới lập pháp Mỹ cảnh báo nghiêm trọng về cạnh tranh Trung Quốc


Ông Robert Lighthizer, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ điều trần tại Hạ viện Mỹ về chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Ông Robert Lighthizer, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ điều trần tại Hạ viện Mỹ về chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Tuần này, hai ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã tổ chức các phiên điều trần để tìm hiểu tác động của việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế một cách hung hăng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, đồng thời xem xét các biện pháp mà Hoa Kỳ có thể thực hiện để chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh.

Hơn nửa chục nhân chứng đã khai chứng với các nhà lập pháp Mỹ về cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để ép buộc các nước nhỏ hơn ký các thỏa thuận thương mại thuận lợi và buộc các doanh nghiệp muốn hoạt động ở Trung Quốc phải từ bỏ tài sản trí tuệ, sau đó cung cấp cho các đối thủ cạnh tranh do Trung Quốc sở hữu.

Các nhân chứng khác đã khai chứng rằng các chính sách kinh tế của Trung Quốc là một phần trong tham vọng rộng lớn hơn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế thống trị toàn cầu mà cuối cùng sẽ vượt qua Hoa Kỳ trên sân khấu thế giới.

Một trong những nhân chứng, ông Robert Lighthizer, người từng là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã thu hút sự chú ý của cả hai phiên điều trần khi ông nói: “Không phải cường điệu khi nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại Hoa Kỳ trong nhiều thập niên.”

VOA yêu cầu tòa đại sứ Trung Quốc bình luận về các cáo buộc được nêu chi tiết trong các phiên điều trần này nhưng không nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, vào tuần trước, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân được hỏi về khiếu nại của các nước G7 đối với sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, ông đã quay lại cáo buộc Hoa Kỳ rằng: “Nếu bất kỳ quốc gia nào đáng bị chỉ trích vì cưỡng ép kinh tế, thì quốc gia đó nên là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã quá phóng đại khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng kiểm soát xuất khẩu và áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử và không công bằng đối với các công ty nước ngoài. Điều này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.”

Tối ngày 17/5, ủy ban chuyên trách về Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã triệu tập một phiên điều trần có tiêu đề: “Cân bằng sân chơi: Làm thế nào để chống lại sự xâm lược kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa, chủ tịch ủy ban, đã bắt đầu phiên điều trần bằng một video ghi lại những nỗ lực của các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nhằm chào đón Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc cấp tình trạng thương mại đặc quyền trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Ông nói: “Trong 25 năm qua, cả hai đảng phần lớn đều đặt cược một cách ngây thơ vào Trung Quốc, đó là sự giao dịch mạnh mẽ về kinh tế sẽ đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc đến tự do hóa chính trị.” “Nhưng Bắc Kinh coi sự lạc quan đặc trưng của người Mỹ là cơ hội để khai thác và các hiệp ước cũng như cam kết quốc tế của chúng ta là quy tắc ‘dành cho bạn chứ không phải cho tôi’”.

“Bây giờ lỗi mơ tưởng đã qua,” ông nói. “Chiến tranh kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng tất cả các đòn bẩy có sẵn để ép buộc chúng ta và các đồng minh của chúng ta và đã đến lúc chúng ta tự bảo vệ mình và thế giới tự do.”

Câu hỏi cơ bản

Dân biểu Raja Krishnamoorthi, đảng viên cao cấp phía Dân chủ trong ủy ban, cũng kiên quyết không kém về sự cần thiết phải thách thức Trung Quốc trên trường quốc tế.

“Đây là câu hỏi cơ bản: Ai sẽ là người lãnh đạo kinh tế và canh tân trong phần còn lại của thế kỷ 21? Đó sẽ là Mỹ hay Đảng Cộng sản Trung Quốc?” ông Krishnamoorthi chất vấn.

Ông nói, can thiệp để chống lại các hình thức ảnh hưởng kinh tế khác nhau của Trung Quốc trên thế giới phải là “những ưu tiên cấp bách” đối với Hoa Kỳ. “Thời điểm để hành động không phải là 10 năm, 5 năm hay năm tới. Ngay bây giờ.”

Ngoài ông Lighthizer, ủy ban đã được nghe từ ông Roger Robinson, cựu chủ tịch Ủy ban Duyệt xét An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong lời khai chứng của mình, ông Robinson tuyên bố rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ, trong một số trường hợp, vô tình trợ cấp cho các công ty Trung Quốc bằng cách tham gia vào các quỹ đầu tư có chứa nợ của công ty Trung Quốc.

Ông Robinson lập luận rằng vì các công ty Trung Quốc không phải tuân theo các yêu cầu công bố thông tin giống như các công ty ở Hoa Kỳ và các nước phát triển khác, nên họ không nên được phép tiếp tục tiếp cận thị trường vốn của Hoa Kỳ.

Nhân chứng thứ ba, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, kêu gọi hành động ngay để tăng cường đầu tư và canh tân trong các công nghệ mới nổi quan trọng, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, để giữ cho Hoa Kỳ đi trước Trung Quốc trong một số lĩnh vực và bắt kịp các lĩnh vực khác.

Ông nói: “Không bao giờ là quá muộn để ngừng đào mồ chôn mình.”

Từ chối cưỡng ép kinh tế

Vào sáng ngày 18/5, trong một phiên điều trần trước Tiểu ban Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Dân biểu Young Kim đã mở đầu phiên điều trần bằng một tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Bà cáo buộc Bắc Kinh đã gây ra sự sụp đổ gần đây trong nền kinh tế Sri Lanka bằng cách gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo của nước này phải gánh khoản nợ quá mức thông qua sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường”.

Bà kêu gọi các thành viên “nhận ra áp lực kinh tế to lớn mà Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa gây ra cho các đồng minh, đối tác và bạn bè của chúng ta trên khắp thế giới.”

“Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường để đạt được các mục tiêu chính trị của mình ở nước ngoài,” nhà lập pháp Cộng hòa nói. “Nhiều đến mức chính sách này sẵn sàng làm sụp đổ các nền kinh tế và tạo ra sự bất ổn như đã làm ở Sri Lanka.”

Tháng trước, sau khi Sri Lanka và các chủ nợ tiến hành các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ mà không có sự tham gia của Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của nước này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân đã được hỏi liệu sự vắng mặt của nước ông có phản ánh sự thất vọng về cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các quốc gia thuộc thế giới thứ ba mắc nợ Trung Quốc hay không. Ông nói: “Trung Quốc kêu gọi các chủ nợ thương mại và đa phương cùng tham gia tái cơ cấu nợ của Sri Lanka theo nguyên tắc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Chúng tôi đã liên lạc chặt chẽ với Sri Lanka cũng như với các tổ chức tài chính Trung Quốc để tích cực thảo luận về các thỏa thuận xử lý nợ với Sri Lanka”.

Đề nghị luật

Dân biểu Ami Bera, đảng viên Dân chủ cấp cao trong tiểu ban, đã bác bỏ những tuyên bố của Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ đang cố gắng cô lập Trung Quốc về kinh tế, nói rằng: “Sự thật là chúng tôi muốn duy trì hiện trạng, vốn đã nâng các quốc gia trong khu vực đó thông qua một trật tự dựa trên luật lệ, nhưng chúng tôi phải đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc và sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc.”

Dân biểu Bera kêu gọi Quốc hội thông qua một biện pháp chỉ đạo chính quyền Biden thành lập “một lực lượng đặc nhiệm liên ngành để đối phó với các hành vi cưỡng chế kinh tế của chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và yêu cầu đánh giá các tác động đối với hoạt động kinh doanh và kinh tế của Hoa Kỳ.”

Ông nói, dự luật tương tự sẽ cung cấp cho tổng thống “các công cụ mới để cung cấp hỗ trợ kinh tế nhanh chóng cho các đối tác và đồng minh đang đối mặt với sự ép buộc kinh tế từ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và buộc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình”.

Trộm cắp tài sản trí tuệ

Ủy ban hôm 18/5 đã được nghe từ ông Alon Raphael, Giám đốc điều hành của FemtoMetrix, một công ty sản xuất một bộ công cụ phần mềm được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Ông Raphael nói với uỷ ban rằng vào năm 2020, ba nhân viên cũ của công ty ông, tất cả đều là công dân Trung Quốc, đã “bí mật bỏ trốn với hàng nghìn tài liệu và thông tin độc quyền có giá trị trong nhiều năm” mà họ đã sử dụng để thành lập một công ty cạnh tranh có tên Weichong Semiconductor ở Trung Quốc đại lục.

Ông Raphael cho biết Weichong đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc bằng cách sử dụng công nghệ FemtoMetrix và đã giới thiệu dịch vụ của mình cho các khách hàng hiện tại của công ty mình, đôi khi sử dụng các bản chiếu vẫn chứa logo của FemtoMetrix.

Ông Raphael nói: “Weichong không phải là ngoại lệ, mà là một ví dụ điển hình cho hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ nước Mỹ.”

FemtoMetric đã kiện Weichong, ông Raphael nói, nhưng có rất ít hy vọng rằng kết quả sẽ đến nhanh chóng, hoặc phán quyết có lợi cho công ty của ông sẽ được chính quyền Trung Quốc thi hành.

Ông nói: “Các công ty như Weichong đã quen với việc khai thác tốc độ chậm chạp và chi phí cao của hệ thống tòa án.” “Các biện pháp thay thế để giải quyết hành vi trộm cắp quốc tế như vậy là cần thiết.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG