Giới nghiên cứu và các nhà ngoại giao kỳ cựu cảnh báo rằng trong tương lai Việt Nam sẽ “không có biển” nếu để mất bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc, đồng thời đề xuất Việt Nam “khởi kiện” Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Hai quan điểm nêu trên được đưa ra hôm 6/10 tại cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển tổ chức ở Hà Nội.
Tham gia tọa đàm là nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, cựu quan chức, trong đó có tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, giáo sư Chu Hảo, thạc sĩ Hoàng Việt, thiếu tướng Lê Văn Cương, các cựu đại sứ Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Trung, Trương Triều Dương, và một số học giả khác.
Ông Hoàng Việt thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông tóm tắt cho biết VOA rằng những người tham gia tọa đàm có nhận định chung là tình hình bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hiện “hết sức nghiêm trọng”.
Các động thái ngày càng leo thang của Trung Quốc ở khu vực này trên Biển Đông đang “đặt Việt Nam vào thế rất nguy hiểm”, những người tham gia tọa đàm khẳng định, theo lời tường thuật của thạc sĩ Hoàng Việt.
Theo cập nhật hồi trưa ngày 7/10, giờ Việt Nam, trên trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông, tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải dương Địa chất 8) mới thực hiện đường khảo sát thứ 5, đi sâu thêm 4,7 hải lý vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam chỉ còn khoảng 89,1 hải lý (165 km).
Nếu để mất khu vực biển này vào sự kiểm soát của Trung Quốc cũng đồng nghĩa là trong tương lai Việt Nam sẽ không có biển. Như vậy, đó là nguy cơ rất lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.Thạc sĩ Hoàng Việt
Dự án phi lợi nhuận, phi chính trị - của một nhóm các nhà nghiên cứu tự nguyện thực hiện - cho biết thêm là phạm vi và tính chất hoạt động tàu khảo sát kể trên và các tàu hộ tống “đã thay đổi và có tính thách thức nhiều hơn” so với đợt thứ 4 hồi ngày 28/9.
“Khu vực khảo sát của Haiyang Dizhi 8 đã không chỉ còn quanh quẩn trong một phạm vi gần khu vực các bãi ngầm Tư Chính cho tới Phúc Tần, mà đã kéo dài lên tận phía bắc giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi, trải dài hơn 220 hải lý”, trang Dự án Đại sự ký Biển Đông nói hôm 7/10.
Thạc sĩ Hoàng Việt, cũng là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho VOA biết những người tham gia tọa đàm hôm 6/10 đưa ra cảnh báo như sau:
“Nếu để mất khu vực biển này vào sự kiểm soát của Trung Quốc cũng đồng nghĩa là trong tương lai Việt Nam sẽ không có biển. Như vậy, đó là nguy cơ rất lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam”.
Tại tọa đàm, ông Trương Triều Dương, cựu Đại sứ Việt Nam tại Philippines, cho rằng “dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại”, theo một bài báo của Thanh Niên.
Vị cựu đại sứ tiên liệu rằng “làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung Quốc ‘cố sống, cố chết’ làm”, vẫn theo tin của Thanh Niên. Củng cố cho nhận định của mình, ông Dương nêu ra lý do: “Vì đó là con đường duy nhất để Trung Quốc trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới”.
Chắc chắn phải đi đến hành động quyết liệt là phải kiện Trung Quốc. Kiện Trung Quốc bây giờ, theo quan điểm của tôi, là đúng thời điểm và là thời điểm quan trọng nhất.Giáo sư Chu Hảo
Để chống lại và chặn đứng các hành động của Trung Quốc, giới nghiên cứu, các cựu quan chức tham gia tọa đàm đề xuất rằng Việt Nam cần đưa vấn đề ra một số diễn đàn quốc tế lớn.
Thạc sĩ Hoàng Việt tường thuật thêm với VOA:
“Tất cả những người tham gia tọa đàm đều đồng ý với nhau một ý kiến là Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn, cụ thể thông qua các hành động. Thứ nhất là khởi kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế nào đó mà có thể kiện được. Và thứ hai, Việt Nam phải đổi mới về chính sách đối ngoại, trong đó là xích lại với phía Mỹ nhiều hơn để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông”.
Trong một video về cuộc tọa đàm, do nhà văn Phạm Viết Đào ghi lại và đăng lên YouTube, giáo sư Chu Hảo phát biểu:
“Chắc chắn phải đi đến hành động quyết liệt là phải kiện Trung Quốc. Kiện Trung Quốc bây giờ, theo quan điểm của tôi, là đúng thời điểm và là thời điểm quan trọng nhất. Đây là lúc lãnh đạo nhà nước và toàn dân phải lấy quyết định quan trọng nhất vào thời điểm quan trọng nhất”.
Một ngày sau buổi tọa đàm, hôm 7/10, trong diễn văn khai mạc một hội nghị của Đảng Cộng sản, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới quan sát cho là vẫn dịu giọng về vấn đề Biển Đông khi ông đề cập đến vấn đề này chỉ đúng một lần.
Bản tin của Tuổi Trẻ, VietnamNet, và một số trang tin khác cho hay tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương khóa 12, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị "phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”.
Việt Nam phải đổi mới về chính sách đối ngoại, trong đó là xích lại với phía Mỹ nhiều hơn để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.Thạc sĩ Hoàng Việt
Không có tin tức gì thêm cho thấy nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam có phát biểu nào cụ thể hơn về Biển Đông nói chung hay diễn biến ở bãi Tư Chính nói riêng.
Khi được VOA hỏi cuộc tọa đàm hôm 6/10 có phải là một động thái được nhà nước hậu thuẫn nhằm thăm dò dư luận trong nước và quốc tế, hay đó là một hoạt động chuyên môn đơn thuần, thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định cuộc tọa đàm hoàn toàn là “tiếng nói của xã hội dân sự”:
“Việc xin phép, thành lập, tổ chức hội thảo hoàn toàn là tư nhân, không có cái gì của nhà nước trong này. Nhà nước không có liên quan gì trong này. Thậm chí nhà nước còn không muốn cho tọa đàm được mạnh mẽ hơn, lan tỏa nhiều”.
Ông Việt cho biết thêm rằng trên thực tế Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể tổ chức được cuộc tọa đàm. Lẽ ra sự kiện này đã diễn ra hôm 22/9 song bị hoãn lại, phải đến hôm 6/10 mới được thực hiện, vị thạc sĩ cho hay.