Đường dẫn truy cập

Giới ngoại giao Mỹ, phương Tây ở VN ủng hộ Ukraine dịp cuộc chiến tròn hai năm


Giới ngoại giao bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, ngày 24/2/2024. Photo Embassy Of Ukraine In Vietnam.
Giới ngoại giao bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội, ngày 24/2/2024. Photo Embassy Of Ukraine In Vietnam.

Hàng chục nhà ngoại giao từ các nước Mỹ, Canada, EU tại Việt Nam hôm 24/2 tổ chức tuần hành ở Hà Nội để thể hiện tình đoàn kết với đất nước Ukraine khi cuộc chiến giữa nước này và Nga bước sang năm thứ ba giữa lúc chính quyền Việt Nam tránh đưa ra lời lên án Moscow.

Các đại sứ và nhân viên ngoại giao tham dự sự kiện đoàn kết quốc tế tại Đại sứ quán Ukraine nhân dịp đánh dấu 2 năm ngày Nga tấn công Ukraine.

Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper viết trên Facebook hôm 25/2: “Hoa Kỳ sát cánh cùng Ukraine khi nước này bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình – một nguyên tắc quan trọng đối với mọi thành viên Liên Hiệp quốc”.

Đại sứ Mỹ Marc Knappar đồng hành cùng đại sứ Ukraine Oleksandr Gaman. Photo US Embassy in Vietnam.
Đại sứ Mỹ Marc Knappar đồng hành cùng đại sứ Ukraine Oleksandr Gaman. Photo US Embassy in Vietnam.

“Chúng tôi buồn vì những hành động tàn bạo do các lực lượng của Nga gây ra và tác động lan rộng của cuộc chiến tranh đối với dân thường, với nền kinh tế toàn cầu, an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời cũng cảm động trước sự kiên cường và niềm kiêu hãnh của người dân Ukraine”, ông Knapper tiếp tục thể hiện ý kiến.

Đại sứ Canada Shawn Steil bày tỏ rằng cơ quan của ông “không yêu cầu phải xin phép để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine”, ông viết trên trang X, trước đây là Twitter. “Hai năm sau khi Nga phát động cuộc xâm lược khủng khiếp, Canada vẫn kiên định và không nản lòng sát cánh cùng Ukraine”, Đại sứ Canada nhấn mạnh.

Đây dường như là cuộc tuần hành nhỏ của các nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội, và không có sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự hay các cá nhân trong nước – những nhóm thường bị chính quyền ngăn chặn khi tham gia biểu tình công khai ở nơi công cộng.

Ông Oleksandr Gaman, Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, nhận định trên Facebook hôm 25/2 rằng trong thời gian qua “những người bạn của chúng tôi ở châu Âu và các châu lục khác ngày càng biết chắc rằng Nga là một kẻ xâm lược và một quốc gia khủng bố đe dọa an ninh của toàn thế giới”.

“Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của bạn bè và tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong đúng khoảng thời gian chúng tôi cần thiết!”, ông Gaman bày tỏ ý kiến.

“Ukraine đang đấu tranh cho nền độc lập và quyền được lựa chọn con đường duy nhất của mình. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng một quốc gia lại quyết định tương lai của một quốc gia khác. Đã quá nhiều lần trong lịch sử mà một nước láng giềng lớn hơn vi phạm chủ quyền của một nước nhỏ hơn”, Đại sứ quán Ba Lan viết trên Facebook.

Một số người Việt bày tỏ sự đoàn kết với đất nước Ukraine và chia sẻ thông điệp của Đại sứ Ukraine.

“Người Ukraine không chỉ chiến đấu cho chính họ. Họ cũng đi đầu trong cuộc chiến chống lại chế độ độc tài và chủ nghĩa bành trướng cho tất cả chúng ta! Chúng tôi rất cảm động và biết ơn sự hy sinh của họ để bảo vệ phẩm giá con người!”, ông Quang Minh, một người gốc Việt sống tại Stuttgart, Đức, viết trên Facebook, đáp lại lời Đại sứ Ukraine.

VOA đã liên lạc Đại sứ quán Nga ở Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của các nhà ngoại giao Mỹ, Canada và các nước phương tây, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Nga gọi đây là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, chiến dịch quân sự lớn nhất ở châu Âu kể Chiến tranh Thế giới thứ 2, với số liệu của LHQ cho biết có hơn 30.000 trường hợp dân thường thương vong.

Từ khi cuộc chiến nổ ra, chính quyền Việt Nam và truyền thông nước này vẫn không lên án Nga và cũng không gọi đây là cuộc xâm lược.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước đây, Đại sứ Gaman nói rằng ông mong ‘Việt Nam đứng về phía chính nghĩa’ trong cuộc chiến ở Ukraine. Đại sứ các nước châu Âu lâu nay cũng vận động Hà Nội từ bỏ lập trường thân Nga trong cuộc chiến nhưng bất thành.

Theo quan sát của VOA, trong hai ngày qua, truyền thông Việt Nam đưa tin rất ít về cuộc xung đột Nga-Ukraine tròn hai năm, chủ yếu điểm lại các tin tức trên thế giới, nói rằng cuộc chiến này “đã tác động sâu sắc đến tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu” và triển vọng về một giải pháp hòa bình chấm dứt xung đột vẫn còn xa vời.

Vào những dịp khác nhau, trong hai năm qua, Việt Nam nêu quan điểm “nhất quán” đối với vấn đề xung đột Nga-Ukraine, nói rằng Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu; đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của binh lính và người dân vô tội ở các nơi xảy ra xung đột.

Quan điểm của Việt Nam là mong muốn hai bên hướng về hòa bình và cuộc sống an toàn của người dân để nối lại đàm phán, chấm dứt leo thang căng thẳng. Việt Nam không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ý kiến của giới quan sát

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, viết cho VOA hôm 26/2 là ông tin rằng, giống như Canada, “Việt Nam nên sát cánh cùng người dân Ukraine cho đến chừng nào còn có thể. Vì đó là cuộc chiến vệ quốc chính đáng. Người dân Ukraine có quyền sống trong một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, pháp trị và có quyền lựa chọn thể chế chính trị của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông Khanh nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không cần chọn bên mà “phải chọn lẽ phải và hành xử có lương tâm và trách nhiệm, tiếp tục bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Vị luật sư gốc Việt kêu gọi Hà Nội nên hành động như vậy để bảo vệ Việt Nam trước các thế lực bá quyền, và các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ.

Cuộc chiến Nga - Ukraine tròn hai năm: bài học nào cho thế giới và Việt Nam? | VOA
please wait

No media source currently available

0:00 0:22:43 0:00
Tải xuống

Từ Boston, Mỹ, ông Trần Trung Đạo, nhà quan sát thời sự và phân tích chính trị, chia sẻ với VOA rằng cuộc chiến ở Ukraine đã “đánh thức” lãnh đạo của các quốc gia. Ông Đạo cho rằng chính quyền Việt Nam nêu rút ra bài học cho chính mình từ cuộc chiến này.

“Trong lương lai, nếu là trường hợp của Việt Nam thì Việt Nam phải chuẩn bị cho được nội lực của một dân tộc, chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Việt Nam sẽ chiến đấu một cách hữu hiệu; phải mạnh về mặt quốc phòng để tạo thế đứng; phải có binh pháp, Việt Nam chưa có liên hệ quân sự-chính trị như Ukraine với châu Âu, vì vậy Việt Nam sẽ bị cô độc. Hầu hết các quốc gia nghĩ đến Việt Nam là họ nghĩ đến quyền lợi, họ vuốt ve Việt Nam chỉ vì quyền lợi của họ, chứ không vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam”.

“Vậy nên, vì quyền lợi của Việt Nam và quyền lợi của các quốc gia lớn phải tương hợp với nhau”, ông Trần Trung Đạo nhấn mạnh.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG