Đường dẫn truy cập

Giới phân tích: Kim Jong Un có thể từ chối đàm phán ngay cả với ông Trump


Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 27/2/2019, tại Hà Nội, Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 27/2/2019, tại Hà Nội, Việt Nam.

Sáu tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 tại Hà Nội thất bại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một lá thư cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump để bày tỏ cảm giác bị phản bội cá nhân.

“Rõ ràng là tôi bị xúc phạm và tôi không muốn che giấu cảm giác này với ông”, ông Kim nói với ông Trump trong 25 bức thư cá nhân cuối cùng được trao đổi giữa hai người và chia sẻ với nhà báo kỳ cựu của Mỹ Bob Woodward.

Tại Hà Nội, ông Trump đã từ chối lời đề nghị của ông Kim về việc dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân lớn để đổi lấy việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong những tháng tiếp theo, các cuộc đàm phán đi vào bế tắc khi mỗi bên rút lui khỏi các cam kết đã đưa ra trong cuộc gặp đầu tiên vào năm 2018 tại Singapore.

Trong thư, ông Kim bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ và Hàn Quốc tăng cường các cuộc tập trận chung vốn đã bị thu hẹp lại trong khuôn khổ các cuộc đàm phán.

Ông Kim viết: “Nếu ông không coi mối quan hệ của chúng ta như một bước đệm chỉ mang lại lợi ích cho ông, thì ông chớ hòng biến tôi trông giống như một thằng ngốc chỉ cho đi mà không nhận lại được gì”.

Nhiều tháng sau khi gửi bức thư, ông Kim tiết lộ một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại nhằm đối phó với cái mà ông gọi là “chính sách thù địch” của Washington. Ông Kim tuyên bố, cách tiếp cận mới sẽ nhấn mạnh đến khả năng tự lực và tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.

Kể từ đó, Triều Tiên đã phát triển một kho vũ khí có thể bay xa hơn, nhanh hơn và tàng hình hơn bao giờ hết. Triều Tiên đã quy định vũ khí hạt nhân trong hiến pháp của mình – một tình trạng mà ông Kim gọi là “không thể đảo ngược”. Ông Kim cũng từ chối lời đề nghị đàm phán với Mỹ, thay vào đó mở rộng quan hệ với những người bạn truyền thống là Nga và Trung Quốc.

Đối với nhiều nhà quan sát, động thái này cho thấy ông Kim đã từ bỏ mục tiêu lâu dài của đất nước là bình thường hóa quan hệ với Mỹ - một diễn biến có thể khiến việc thuyết phục Triều Tiên bắt đầu lại các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi ông Trump, ứng cử viên tổng thống hiện tại của Đảng Cộng hòa, sẽ trở lại chức vụ tổng thống vào năm 2025.

Ông Moon Chung-in, cố vấn chính sách đối ngoại của các chính quyền Hàn Quốc thiên tả, bao gồm cả chính phủ trước đây vốn từng theo đuổi đàm phán với Bình Nhưỡng, nói: “Đó sẽ là một trò chơi rất khác”. “Việc bắt đầu lại đối thoại với Bình Nhưỡng có thể cực kỳ khó khăn”.

Ông Trump vẫn lạc quan

Không ai biết ông Trump sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên như thế nào trong nhiệm kỳ thứ hai nếu ông tái đắc cử, đặc biệt là với những sự tương phản cực độ mà ông thể hiện với Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Năm 2017, ông Trump đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên và đe dọa chiến tranh hạt nhân qua lại với ông Kim, trước khi chuyển sang ngoại giao và tuyên bố rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên “đã yêu nhau”.

Kể từ khi rời nhiệm sở, ông Trump tiếp tục phát biểu tích cực về mối quan hệ của ông với ông Kim và thường xuyên tuyên bố rằng tình bạn này đã ngăn chặn chiến tranh hạt nhân - một dấu hiệu cho thấy ông coi các cuộc đàm phán là có lợi, ngay cả khi chúng không dẫn đến việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Vào tháng 12 năm ngoái, Politico, một trang web tin tức của Mỹ, đưa tin rằng ông Trump đang xem xét một kế hoạch ít nhất sẽ tạm thời từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Theo Politico, ông Trump sẽ đưa ra các khuyến khích tài chính cho Bình Nhưỡng để ngừng chế tạo bom mới. Ông Trump phủ nhận tin này.

“Điều chính xác duy nhất trong câu chuyện là tôi rất thân với ông Kim Jong Un,” Ông Trump nói trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Không rõ liệu hai người có còn trao đổi thư từ hay không, hay ông Trump sẽ ưu tiên tiếp cận ông Kim ở mức độ nào nếu ông trở lại nhiệm sở.

Ông Kim hài lòng với nguyên trạng?

Nếu ông Trump muốn nối lại đàm phán, ông Kim có thể sẽ không muốn từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, vốn đã cho phép ông vượt qua một loạt thách thức ghê gớm.

Bà Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích của Mạng lưới Hạt nhân Mở có trụ sở tại Vienna, cho biết, bất chấp thời gian tự cách ly kéo dài do đại dịch, các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp diễn và bế tắc ngoại giao với Mỹ, ông Kim vẫn tồn tại về mặt kinh tế và thậm chí còn đạt được tiến bộ trong phát triển vũ khí.

Bà Lee nói những thành công này “có thể đã củng cố suy nghĩ của Bình Nhưỡng rằng thực sự Mỹ không thể làm được gì nhiều cho Triều Tiên”.

Bà nói thêm: “Bài học lớn nhất của ông Kim sau sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là Mỹ sẽ luôn thực hiện cái mà họ gọi là ‘chính sách thù địch’ đối với Triều Tiên, bất kể ai là tổng thống”.

Thay vào đó, ông Kim đã mở rộng quan hệ đối tác với Nga. Theo Hoa Kỳ và các đồng minh, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga đạn pháo và phi đạn đạn đạo mà Moscow đã sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine. Đổi lại, các quan chức Mỹ nghi ngờ Nga đang hỗ trợ các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Sydney Seiler, người cho đến năm ngoái vẫn là sĩ quan tình báo quốc gia về Triều Tiên tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết mối quan hệ đang ấm lên giữa Triều Tiên và Nga khiến ông Kim càng ít cảm thấy cần phải tìm kiếm những con đường khác để nhận được hỗ trợ về ngoại giao, quân sự và kinh tế.

Ông Seiler nói với VOA: “Ông ấy đã tạo ra một môi trường và một con đường tiến tới ít phụ thuộc hơn vào cái mà người ta có thể gọi là quan hệ ngoại giao bình thường hoặc tương tác bình thường với bên ngoài, ngoại trừ một số ít quốc gia chấp nhận Triều Tiên như hiện tại”.

Thách thức phía trước

Mặc dù ông Kim luôn có thể thay đổi quyết định và tái hợp tác với Mỹ nhưng ông có thể yêu cầu nhiều hơn nữa trong các cuộc đàm phán sau nhiều năm phát triển về hạt nhân và phi đạn.

“Nhưng điều đó có thể sẽ chỉ xảy ra nếu Mỹ sẵn sàng từ bỏ phi hạt nhân hóa và tham gia vào một số hình thức kiểm soát vũ khí hoặc thậm chí là đàm phán giảm thiểu rủi ro. Và đó là một ngưỡng rất cao cần phải đáp ứng, vì quan điểm chính thức của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”, bà Lee nói.

Nếu ông Trump theo đuổi sự thỏa hiệp như vậy với ông Kim, điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc. Không giống như tình hình trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, tổng thống hiện tại của Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol, là người bảo thủ và thích cách tiếp cận diều hâu với Triều Tiên.

Bà Jessica Taylor, chuyên gia an ninh châu Á tại Hội đồng Đại Tây Dương, lo ngại ông Trump sẽ tiếp tục hạ thấp việc Triều Tiên phóng phi đạn tầm ngắn, vốn gây ra mối đe dọa lớn cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Ông Trump cũng có thể sẵn sàng hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, “không chỉ để xoa dịu Triều Tiên mà chỉ vì ông ấy thấy chúng không cần thiết hoặc không đáng để chi tiêu”, bà Taylor nói.

Cuối cùng, bà Taylor cho rằng chính sách đối với Triều Tiên của ông Trump có thể sẽ giống như lần đầu tiên – rất nhiều “sự khoác lác và phô trương…mà không đi sâu vào bất cứ điều gì thực sự cụ thể”.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG