Đường dẫn truy cập

Giúp phát triển ngôn ngữ trẻ em tự kỷ


Harrison, 5 tuổi, bị bệnh tự kỷ, chơi với người máy Kaspar, do Đại học Hertfordshire ở Stevenage, Anh quốc, chế tạo có khả năng tương tác với các em bệnh tự kỷ (ảnh tư liệu ngày 30/1/2017).
Harrison, 5 tuổi, bị bệnh tự kỷ, chơi với người máy Kaspar, do Đại học Hertfordshire ở Stevenage, Anh quốc, chế tạo có khả năng tương tác với các em bệnh tự kỷ (ảnh tư liệu ngày 30/1/2017).

Thính giả Chu Mạnh Hùng hỏi:

“Thưa Bác sĩ

Con tôi sinh năm 2008, hiện đang học lớp 04.

Tôi có cho cháu đi khám ở bệnh viện tâm thần dành cho trẻ em có trụ sở tại quận Phú Nhuận. Tại đây bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn ngôn ngữ có kê toa mua thuốc uống. Thực chất cháu chưa có thể tả hoặc làm được một bài tập làm văn như các bạn cùng lớp. Ngoài ra vốn sử dụng ngôn từ của cháu rất khác thường, ví dụ để diễn đạt sự việc mỏi chân, cháu dùng từ gãy chân, hay khi đòi mua bánh ăn, cháu dùng những từ ngắn gọn như bánh piza đó, nước cam nữa...

Nói tóm lại cháu có biểu hiện bệnh tự kỷ. Vậy kính mong Bác sĩ tư vấn cho tôi nên chăm sóc cháu như thế nào để giúp cháu nhanh chóng hồi phục như người bình thường.

Trân trọng cảm ơn.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Giúp phát triển ngôn ngữ trẻ em tự kỷ

Giúp phát triển ngôn ngữ trẻ em tự kỷ
please wait

No media source currently available

0:00 0:25:04 0:00
Tải xuống

Trẻ em bị chứng quang phổ tự kỷ (autism spectrum) có nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Nếu bác sĩ tâm thần đã xác nhận là bịnh này, điều quan trọng nhất có lẽ là theo đúng những hướng dẫn của bác sĩ đang điều trị. Theo như email của vị thính giả, em bé được cho uống thuốc, tuy không biết đây là thuốc gì. Ví dụ một số trẻ quá năng động hay thiếu chú ý (hyperactivity and attention deficit), bác sĩ có thể cho cháu uống thuốc kích thích (stimulant) như methylphenidate (Ritalin) để giảm bớt triệu chứng này; những triệu chứng khác như trầm cảm, bịnh “ám-ảnh cưỡng-chế” (obsessive-compulsive disorder, OCD), bịnh bón hay đi kèm theo bịnh tự kỷ. Nên biết rõ là thuốc được dùng trong mục đích gì và dùng đúng liều, biết những phản ứng phụ có thể xảy ra.

Một số bé phát triển về ngôn ngữ (khả năng nói và hiểu lời người khác nói) chậm hơn các trẻ khác (speech delay). Ðây là một lãnh vực y khoa còn đang vòng khảo sát và nghiên cứu nhiều. Một số trẻ tuy bắt đầu nói chậm hơn trẻ khác, từ từ cũng sẽ phát triển được khả năng ngôn ngữ ngang với các trẻ khác. Một số ít chậm nói vì chúng bị điếc hoặc lãng tai ở mức nhẹ hơn (hearing loss) làm cho chúng không nghe rõ được lời nói của người khác và do đó trở ngại lúc tập nói theo. Do đó hiện nay luật ở Virginia cũng như phần lớn tiểu bang khác qui định phải kiểm soát xem bé sơ sinh nghe có rõ không và theo dõi khả năng nghe của đứa trẻ mỗi khi khám định kỳ.

Mức phát triển ngôn ngữ (language development) và khả năng đọc, viết (literacy) có liên hệ với nhau. Lúc tuổi từ 8-10, trẻ đi từ giai đoạn tập đọc qua giai đoạn đọc để học tập, để mở mang kiến thức. Trẻ có thể đọc lưu loát các đề tài khác nhau (lịch sử, thơ, chuyện hư cấu), áp dụng các kinh nghiệm từng sống qua vào mục đích hiểu những gì mình đọc, cũng như trình bày bằng miệng hay viết ra một cách thuyết phục, thú vị, kể những câu chuyện có tình tiết phức tạp. Đối với người nói tiếng Anh, đến 6 tuổi trung bình dùng được 2600 từ và hiểu được 20,000-24,000 từ, tới 12 tuổi hiểu được 50,000 từ (số lượng từ này tuỳ thuộc cách đếm từ, bộ từ điển 20 cuốn Oxford English Dictionary có trên 171,000 từ đang được dùng). Trẻ học thêm 3000 từ mỗi năm, nghĩa là chừng 10 từ mỗi ngày. Ngoài những trẻ có trí thông minh thấp (IQ, chỉ số thông minh dưới trung bình), những lý do sau đây có thể làm lượng ngữ vựng của các em bị giới hạn: trẻ không có cơ hội tiếp cận sách vở, ít nghe người khác nói chuyện hay dạy dỗ, bị thiếu thốn về các cơ hội văn hoá (cultural deprivation), thiếu các phương tiện truyền thông, hay trẻ em bị "dyslexia ( gặp trở ngại trong việc đọc và hiểu vì khả năng xử lý các tín hiệu thị giác bất bình thường mặc dù trí thông minh bình thường). Dyslexia (dys= khó, lexia=đọc, "bịnh khó đọc") một phần do di truyền. Bịnh phổ biến hơn chúng ta thường nghĩ, 15-20 người ở Mỹ mắc chứng này, là learning disability (khuyết tật về học tập) thường gặp nhất (80%). Trẻ em có thể đọc khó khăn, vụng về, lẫn lộn bên trái bên phải, nói chậm nên dễ bị định bịnh lầm là trì trệ tâm trí hay tự kỷ. Cần khắc phục các khiếm khuyết ở trên mới cải thiện được khả năng ngôn ngữ của các em.

Nói chung, không có thuốc được công nhận là chữa hết (“cure”) bịnh tự kỷ. Bịnh tự kỷ là một bịnh rối loạn về phát triển lan rộng (PDD, pervasive developmental disorder) tác động trên nhiều lãnh vực khác nhau của sự phát triển: ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, cảm thông, cảm xúc, cảm giác. Theo kiến thức hiện nay bịnh sẽ tồn tại suốt đời người bịnh, mặc dù các triệu chứng có thể đựoc cải thiện nhiều hay ít với những can thiệp về giáo dục hay thay đổi về hành vi (educational and behaviorial interventions). Một trong những trị liệu thịnh hành và công nhận có kết quả là "ABA" (applied behavioral analysis: phân tích hành vi ứng dụng). ABA có tham vọng phân tích tương quan giữa môi trường và một hành vi nào đó (ở đây là hành vi của trẻ tự kỷ) và từ đó tìm cách thay đổi hành vi đó qua một hướng thuận tiện hơn cho sự phát triển tâm trí cũng cuộc sống xã hội của người đó. Những chuyên gia tâm lý chuyên về ABA phụ trách về chữa trị cho các bịnh nhân tự kỷ đồng thời cũng huấn luyện cho cha mẹ để cộng tác trong việc chữa trị các em. Tuy nhiên phương pháp này cũng bị chỉ trích nhiều.

Trường hợp vị thính giả hỏi ở đây, có vẻ như "rối loạn ngôn ngữ" là ưu tư chính của phụ huynh, và ngoài khuyết điểm này có vẻ như đây là một trường hợp không nặng lắm. Đa số những em ở Mỹ với vấn đề về ngôn ngữ tương tự được đi học chung với các em cùng lứa tuổi, cọng thêm nhiều ít giờ học lớp riêng gọi là "Special Education" (giáo dục đặc biệt) về những môn cần bổ túc. Ví dụ các em gặp khó khăn về phát âm và ngôn ngữ có thể cần các chuyên gia bịnh lý phát âm và ngôn ngữ (speech and language pathologist) dạy cho các em phát âm đúng, khắc phục các chứng như cà lăm, diễn tả và truyền đạt một cách hữu hiệu hơn, đặc biệt là các em bị chứng tự kỷ, các em bị bịnh điếc hay các dị tật mũi miệng (vd hở vòm miệng).

Riêng về cha mẹ, chúng ta có thể giúp em phát triển ngôn ngữ bằng cách dành thì giờ nhiều hơn cho các em, tạo cơ hôi trao đổi, học hỏi với các em bằng cách dùng sách đọc, xem phim có hướng dẫn, đi thư viện, bảo tàng viện. Theo North Shore Pediatric Therapy, các biện pháp sau đây có thể giúp các em dùng ngôn ngữ lưu loát hơn:

1) Eye contact: Nhìn vào mắt lúc nói chuyện; dạy cho trẻ biết là lúc nói chuyện nhìn vào mắt người kia là quan trọng, cũng như giúp cho mình giữ được vị trí của mình (nếu em ngập ngừng, chậm chạp), không cho các trẻ khác nhanh nhẩu chen vào; mình làm mẫu cho em bắt chước, nhớ khen, khuyến khích em lúc em làm đúng (Ví dụ: “Con nhìn vào mặt mẹ trong lúc con kể chuyện như vậy là giỏi lắm!”).

2) Face-to-Face: Lúc nói chuyện với em, để hai mặt ngang tầm với nhau (ví dụ quỳ xuống nói chuyện với trẻ), giữ được mắt nhìn mắt, dạy cho trẻ giữ khoảng cách vừa phải lúc hai người nói chuyện.

3) Nói chuyện từ tốn, tự nhiên, không hối hả, ra vẻ nóng ruột.

4) Model thinking time: Làm gương cho trẻ bỏ thì giờ suy nghĩ một lát trước khi vào trò chơi hay trước khi bắt đầu nói: Ví dụ "Hừm..., để Ba chọn cái này..." Giúp cho trẻ có nhiều thì giờ hơn để thành hình câu nói (increased language formulation time).

5) Biết lắng nghe, không gián đoạn cắt ngang câu nói của trẻ, không nói thay cho em nếu em ngập ngừng, ấp ứng; để em có cơ hội tự mình diễn tả ý của mình; khen lúc em làm được.

6) Cho phép em một thời gian chuyển tiếp, nghỉ ngơi trước khi báo cáo về một chuyện gì mới xảy ra, ví dụ một trò chơi hào hứng vừa xong, đứa trẻ còn hăng say nên quýnh lên. Ví dụ, "Mình dọn dẹp một chút rồi con kể cho ba nghe chuyện trận bóng vừa rồi..."

7)Taking turn: Dạy cho trẻ biết đợi lúc người khác nói chuyện, đợi đến phiên mình lúc đối thoại.

8) Dùng những câu gợi ý nhẹ nhàng, thay vì tra hỏi tới tấp, có vẻ như gây áp lực:"Màu này là màu gi? cái này là cái gì? con phải biết chứ...!”

9) Hướng dẫn em qua từng giai đoạn của một câu chuyện, hướng dẫn em qua một cái sườn bài: Ai? ở đâu? bao giờ, lúc nào ? (Who? When? Where?) Ví dụ: “Ba nghe con kể nhiều phần khác nhau của câu chuyện, vậy chúng ta trở lại về đoạn đầu nghe: Nhân vật này là ai,...chuyện này xảy ra ở đâu…; bây giờ con nói tiếp xem chuyện xảy ra thế nào..."

10) Dành vài phút mỗi ngày tâm sự riêng với cha và với mẹ.

11) Điền vào chỗ trống (sentence filling): nếu em bị kẹt với một từ nào đó, chúng ta cho em một câu để trống ở cuối và biểu em điền vào chỗ trống với từ thích hợp.

Chúc quý vị thính giả may mắn.

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 31 tháng 10 năm 2017

Reference:

11 Tips to Increase Speech in Your Child

http://nspt4kids.com/parenting/11-ways-to-increase-your-childs-speech-fluency/

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG