Một giám mục Công giáo Việt Nam, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, vừa gửi một thư ngỏ cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang để bày tỏ những ý kiến “rất thành thật” và thẳng thắn về Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng (ANM), trong bối cảnh mà ông nói “đất nước nguy ngập”.
Nguyên Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum cũng đề nghị Chủ tịch nước thả hết những người biểu tình bị bắt, “mau chóng ra luật biểu tình”, “tôn trọng ý dân” và bỏ cả hai dự luật.
“Có bao giờ đất nước Việt Nam khổ đến thế này không? Tại sao người Việt không thương dân Việt mà phải ‘đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc (Lê Duẩn) cả mấy chục năm, để rồi ngày nay lại tạo điều kiện dâng đất cho ngoại bang?”, thư của GM. Hoàng Đức Oanh viết.
Lá thư được gửi đi sau khi Quốc hội Việt Nam, theo trong thư, đã “biểu quyết vội vàng dự luật An ninh mạng” mà “không thèm quan tâm ý dân”, và vấn đề hiện chỉ còn tùy thuộc vào chữ ký của Chủ tịch nước.
Trong lá thư dài 4 trang, GM Hoàng Đức Oanh phân tích những lý do vì sao người dân phản đối hai dự luật. Ông nói cả hai dự luật đều “lỗi thời, lạc hậu và nguy hiểm”.
“Dân chúng tôi chống Tàu và chống 2 dự luật đơn giản là sợ mất nước?”, thư viết.
Với những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân vào ngày 10/6 để phản đối hai dự luật, GM. Hoàng Đức Oanh nói việc để xảy ra xô xát là điều đáng tiếc, nhưng ông đặt câu hỏi “Công bằng mà xét, lỗi và trách nhiệm thuộc về ai? Nhà nước hay người dân?”
Trong cuộc trò chuyện với Khánh An của VOA Tiếng Việt, GM. Hoàng Đức Oanh cho biết thêm về nguyên cớ khiến ông phải gửi thư ngỏ cho Chủ tịch nước.
GM. Hoàng Đức Oanh: Với tư cách là một công dân yêu nước, tôi thấy tình hình đất nước nguy ngập, đặc biệt với hai dự thảo luật là Luật An ninh mạng và Luật về 3 đặc khu kinh tế. Cả hai đều không thích hợp và tác hại đến quyền lợi của đất nước Việt Nam. Một cái là bịt miệng người ta, rồi từ đó có thể tiến hành biết bao nhiêu điều khác, như đặc khu kinh tế chẳng hạn. Vả lại, kinh nghiệm cho thấy là Tàu cộng đã bỏ tiền ra, 90% các dự án [tại Việt Nam] là Tàu cộng trúng thầu. Và khi trúng thầu thì họ làm rất giả dối, tốn kém và không có hiệu quả tốt đẹp cho đất nước. Nhìn thấy nguy cơ đó và với lòng yêu nước, tôi phải lên tiếng thôi.
VOA: Khi gửi bức thư với những lời lẽ như vậy, Đức cha có e ngại đã “đụng chạm” quá mức các lãnh đạo Việt Nam hay không?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ là mình rất thành thật. Tôi không chống đối ai, và cả với những người anh em Cộng sản. Với niềm tin của tôi, tất cả đều là anh em của nhau, là công dân Việt Nam. Tôi không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và tôi càng không chấp nhận hệ thống điều hành đất nước. Tôi ý thức là tất cả mọi điều đều phát xuất từ Điều 4 Hiến pháp, rồi từ đó họ quyết định hết tất cả. Và cuối cùng thì kinh nghiệm cho thấy bao nhiêu năm trời họ không giải quyết được gì mà chỉ càng bế tắc thêm.
VOA: Với dự luật về đặc khu, các lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ không đề cập một chữ nào đến Trung Quốc nhưng tại sao người dân lại chống đối. Vậy Đức cha nhận xét thế nào về yếu tố Trung Quốc trong sự phản đối của dân chúng đối với Luật Đặc khu?
GM. Hoàng Đức Oanh: Không cần phải nói đến từ “Trung Quốc”. Quý vị đó phải hiểu rằng với kinh nghiệm của đất nước, với 3 địa điểm làm đặc khu đó, với tình hình Việt Nam đã bị lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cũng như trong 90% các dự án mà Tàu cộng trúng thầu, chúng tôi nghĩ rằng 3 địa điểm đó rất nguy hiểm cho an ninh, quốc phòng, kinh tế… nên chúng tôi mới chống đối.
VOA: Đức cha nhận xét thế nào về cách chính quyền đối phó với các cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi rất ngạc nhiên. Vì khi dân chúng nói lên ý kiến của mình khi thấy nguy cơ mất nước đến nơi, với hai dự luật lạc hậu, nguy hại cho đất nước và tương lai của dân chúng nên họ rất ôn hòa biểu tình. Trong khi đó, lực lượng an ninh thay vì giữ gìn trật tự, phục vụ người dân thì lại đàn áp, đánh đập. Chính vì thế tôi muốn lên tiếng nói thay cho nhiều người khác, thay cho những người thấp cổ bé miệng để nói với ông Chủ tịch nước, nhưng vì gửi thư bao nhiêu lần không được nên tôi phải gửi thư ngỏ [trên mạng].
VOA: Theo Đức cha, trong tình hình lúc này, Luật biểu tình cần thiết như thế nào?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ đáng lẽ Quốc hội phải giải quyết Luật biểu tình trước để có một khuôn phép cho dân cứ thế mà làm. Chứ Hiến pháp thì công nhận [quyền biểu tình], nhưng ra luật thì cứ hoãn miết. Trong khi đó, Luật An ninh mạng cũng cần thiết nhưng luật này thì lại không phải về an ninh, mà là chặn lại quyền tự do ngôn luận, biểu đạt ý kiến của dân.
VOA: Luật Đặc khu được cho là một chủ trương quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Nếu yêu cầu hủy bỏ dự luật, Đức cha có những đề xuất gì cho các lãnh đạo hay không?
GM. Hoàng Đức Oanh: Trong thời đại hiện đại rồi, có rất nhiều cách. Trong thư, tôi có nói đến 3 điểm. Thứ nhất, bỏ Điều 4 Hiến pháp. Thứ hai, bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đến cuối thế kỷ này cũng chưa biết XHCN đi tới đâu, thành hình thế nào?”, mà bây giờ mình mông lung như vậy.
Thứ ba, quyền tư hữu đã bị tước đoạt thì phải trả lại quyền tư hữu. Tất cả mọi điều xảy ra khốn đốn cho dân tộc Việt Nam từ trước tới nay, dưới chế độ Cộng sản, là phát xuất từ 3 điểm đó.
VOA: Cám ơn GM. Hoàng Đức Oanh.
______________________________________________________________
GM. Micae Hoàng Đức Oanh sinh năm 1938 tại Hà Nội. Từ lúc còn là chủng sinh tại tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, ông đã có thành tích học tập xuất sắc nên được tuyển chọn theo học triết học và thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô Đà Lạt. Sau khi chịu chức linh mục tại Sài Gòn vào năm 1968, ông được điều về làm phó xứ ở Pleiku và làm Hiệu trưởng Trường tư thục Minh Đức. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Giáo sư Tiểu chủng viện Thừa sai Kon Tum, Tổng đại diện giáo phận Kon Tum và được bổ nhiệm làm Giám mục Kon Tum vào năm 2003.
GM. Micae Hoàng Đức Oanh là một trong những lãnh đạo Công giáo có tầm ảnh hưởng vì ông mạnh mẽ lên tiếng trước những vấn đề xã hội quan trọng, liên quan đến vận mệnh đất nước và quyền lợi của người dân.