Đối thủ hàng đầu của Grab, công ty công nghệ đa dịch vụ của Indonesia Go-Jek, hôm 25/6 công bố sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam vào đầu tháng tới, với tên gọi “Go-Viet”. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng quốc tế trị giá 500 triệu USD mà Go-Jek bỏ ra đầu tư tại các thị trường mới ở Đông Nam Á.
Theo trang tin ITCnews, Go-Viet do một đội ngũ sáng lập người Việt Nam điều hành, và Go-Jek sẽ hỗ trợ cho Go-Viet thông qua chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và hậu thuẫn về công nghệ, tài chính.
“Công ty rất tin vào sự tự chủ của các đội ngũ ở địa phương và để cho họ tự chủ ra quyết định chiến lược hoạch định tương lai”, CEO của Go-Jek Nadiem Makarim nói với Channel News Asia.
Một số nhà phân tích cho rằng cách đầu tư theo kiểu cho phép “tự trị” của Go-Jek là mạo hiểm vì thương hiệu “đình đám” tại Indonesia này có thể bị phá hỏng nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào ở các thị trường mới.
Đối thủ của Go-Jek, Grab, cũng theo đuổi mô hình “hợp tác” để vào thị trường Singapore. Đối tác chính của Grab, oBike, trước đó trong ngày 25/6 đã ra thông báo tạm dừng hoạt động tại Singapore, và công ty sẽ không cố gắng để thông qua các yêu cầu pháp lý để tiếp tục cung cấp dịch vụ.
Thông báo của Go-Jek cho biết sẽ bắt đầu chính thức cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại Việt Nam vào tháng 7, trước khi tung ra “ngay sau đó” dịch vụ có tên GET ở Thái Lan.
Trong giai đoạn đầu, Go-Viet sẽ chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng, sau đó sẽ mở rộng thêm dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa hay cung cấp giải pháp thanh toán.
Với sự xuất hiện của Go-Jek, người sử dụng tại Việt Nam sẽ có thêm sự lựa chọn mới, sau khi Grab thâu tóm Uber và trở thành công ty không có đối thủ tại Việt Nam.
Vài ngày trước, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã ra lệnh cho Grab phải tạm dừng kế hoạch mở rộng dịch vụ ra các 24 tỉnh thành. Bộ này nói rằng Grab chỉ được phép hoạt động trong 5 tỉnh thành là Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Go-Jek và Grab cạnh tranh “khốc liệt” tại thị trường Indonesia. Gần đây, Go-Jek nhận được một đợt đầu tư mới lên đến hơn 1,4 tỷ USD từ một loạt các công ty tên tuổi trên toàn cầu như Google, Allianz và cả từ Trung Quốc như Tencent, JD.com và Meituan. Hãng này hiện được định giá khoảng 5 tỉ USD.