Nếu bạn là một người hút thuốc từng định bỏ hút mà không xong, bạn không phải là người duy nhất.
Bà Mary Ella Douglas thuộc Hiệp Hội Bệnh Phổi Hoa Kỳ và là Phát ngôn viên của chiến dịch kêu gọi bỏ hút nói:
“Nước Mỹ ngày nay có khoảng 25% người lớn hút thuốc, có 6 trong 10 người muốn cai, nhưng không thể cai được ngay lần đầu. Chúng tôi nhận thấy rằng điều đó phải như vậy và cũng bình thường, bởi vì đó là con đường mà nhiều người đã trải qua, trước khi bỏ hẳn thuốc. Chiến dịch “Người bỏ thuốc trong bạn” mà chúng tôi tung ra là nhằm thay đổi cách nhìn của người Mỹ đối với việc bỏ thuốc, bởi vì chúng tôi biết rằng cần mất nhiều lần để cai thuốc. Chúng tôi khuyến khích mọi người cố gắng nữa và đừng bao giờ ngưng cố gắng.”
Bà Paula Mathis, 51 tuổi, có 4 đứa con. Mỗi lần có thai bà đều bỏ hút, nhưng sau đó bà luôn luôn quay lại với thuốc lá. Sau cùng bà cũng bỏ được, nhờ bà thích hát trong nhà thờ vào mỗi ngày Chủ nhật.
Bà cho biết lý do khiến bà cố gắng bỏ hút:
“Tôi đã thử bỏ thuốc ít nhất là 6 lần. Khi tôi trở lại với ca đoàn và hát, giọng tôi dở đi nhiều do hút thuốc. Lúc đó tôi tự nhủ mình phải bỏ thuốc và lần này là lần sau cùng. Ý muốn phải xuất phát từ nội tâm và thôi thúc mình bỏ hút.”
Chuyện kể của bà Mathis là một trong những kinh nghiệm do những người bỏ hút trình bày trong trang mạng “Quitter in You”, www.quitterinyou.org. - tạm dịch là “Người Bỏ Thuốc Trong Bạn” –
Ông Alex Porter, một người bắt đầu hút thuốc từ tuổi 13, cũng chia xẻ câu chuyện của mình:
“Ba ngày đầu là gay go nhất. Lúc đó cần nhất là không để mình rơi vào bất kỳ tình huống nào khiến ta định hút trở lại. Ta phải hiểu thật rõ về những người ta sắp sửa tiếp cận và những tình huống ta sắp rơi vào.”
Cô Anne Malarcher làm việc tại văn phòng Hút thuốc và Sức khỏe của CDC, Trung Tâm Kiểm soát và Phòng tránh Bệnh tật. Cô ghi nhận một điều, là việc hạn chế hút thuốc tại những nơi công cộng và đánh thêm thuế vào thuốc lá đã khiến mọi người bỏ hút.
Và đối với những người vẫn còn cần giúp đỡ thì còn rất nhiều chọn lựa, từ thuốc men cho tới những nhóm hỗ trợ.
Cô Malarcher nhận định: “Tôi nghĩ việc quan trọng của mọi chiến dịch là để mọi người thật sự hiểu rằng có những cách hiệu quả để giúp mọi người bỏ hút, bây giờ hơn bao giờ hết.”
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã chấp thuận 7 loại thuốc có thể giúp cai thuốc lá.
Một vài loại có tính điều trị thay thế nicotine, như kẹo gum, băng dán, thuốc phun mũi và kẹo ngậm. Ngoài ra, còn có thêm 2 loại thuốc không có nicotine nữa.
Cho nên, người muốn bỏ hút cứ việc hỏi ý kiến bác sĩ của mình xem loại nào thích hợp với mình nhất, hoặc nhờ cố vấn trên điện thoại, vì những đường dây cố vấn bỏ thuốc mở ra suốt 24 giờ mỗi ngày.
Trong lúc mỗi năm có hơn 3 triệu người Mỹ bỏ thuốc, thì hàng trăm ngàn người khác lại khởi sự.
Bà April Schweitzer, đồng chủ tịch hội Trẻ Em Không Hút Thuốc, cho biết mỗi năm có khoảng 400 ngàn thiếu niên Mỹ trở thành người ghiền hút thuốc.
Bà tiết lộ rằng công nghiệp sản xuất thuốc lá mỗi năm chi ra khoảng 30 tỉ đô la để lôi kéo thanh thiếu niên hút thuốc, cho nên, trong 15 năm qua, nhóm của bà đã mở chiến dịch phản công.
Đi đôi với việc giáo dục trẻ em về sự nguy hại đối với sức khỏe của việc hút thuốc, bà nói chiến dịch kể trên đã lật tẩy những thủ đoạn tiếp thị của các công ty thuốc lá. Bà nói:
“Khi nói chuyện với giới trẻ, chúng tôi thực hiện phương pháp chống tiếp thị, huấn luyện để cho các em nhận thức được những kiểu quảng cáo lừa bịp, những ngón thuyết phục mà các hãng thuốc lá sử dụng để dụ dỗ thiếu niên hút thuốc. Bởi vì, giống như kiểu phản kháng cha mẹ, các thiếu niên cũng sẽ phản kháng ngành sản xuất thuốc lá, nếu họ cho rằng ngành đó một cách nào đó đã lạm dụng và lừa bịp họ.”
Bà Schweitzer nói thêm rằng cung ứng cho các người trẻ những dữ kiện về chuyện hút thuốc lá đã chứng tỏ là một cách hiệu quả để ngăn họ thử điếu thuốc đầu tiên.
Bà Schweitzer nói: “Một phương pháp mà các trường học sử dụng là nêu ra cho học sinh, sinh viên thấy rằng phần đông mọi người bình thường đều không hút thuốc. Chỉ có 20% học sinh trung học hút thuốc. Có nghĩa là 80% không hút, cho nên nếu anh hút thuốc thì không hay cho lắm. Thực tế phần đông mọi người đều làm những quyết định tốt và chọn lựa cách sống lành mạnh.”
Các chuyên gia y tế nói rằng, người hút thuốc không bao giờ nên ngừng cố gắng bỏ hút thuốc. Các chuyên gia nói rằng, biết rõ các nhân tố liên quan đến tiến trình bỏ thuốc có thể khó khăn tới mức nào, nhất là những tuần lễ đầu tiên, điều đó cũng có thể giúp nhiều người đang hút thuốc có thể vĩnh viễn từ bỏ thói quen này.
Tổng thống Barack Obama là một trong hàng triệu người Mỹ hút thuốc lá đang cố gắng cai thuốc. Sau cuộc kiểm tra sức khỏe thường kỳ đầu tiên từ lúc nhậm chức, các bác sĩ nói ông có sức khỏe tuyệt hảo, tuy nhiên, họ nhấn mạnh ông cần tiếp tục cố gắng bỏ hút thuốc. Thông tín viên Faiza Elmasry của VOA trình bày thêm về những chiến dịch mới nhất nhằm giúp Tổng thống và hàng triệu người Mỹ khác bỏ hút.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1