Đường dẫn truy cập

Google bị EU phạt 5 tỷ đôla để chống độc quyền


Logo của Google và EU trên một tấm di chuột (ảnh tư liệu, tháng 4/2015)
Logo của Google và EU trên một tấm di chuột (ảnh tư liệu, tháng 4/2015)

Cơ quan chống độc quyền của EU hôm 18/7 phạt Google với mức kỷ lục 4,34 tỷ euro (tương đương 5 tỷ đôla) vì hãng này sử dụng hệ điều hành di động Android của hãng để đánh bật các đối thủ.

Hình phạt này cao gần gấp đôi mức kỷ lục 2,4 tỷ euro trước đó mà hãng công nghệ Mỹ đã bị buộc phải nộp năm ngoái liên quan đến dịch vụ tìm kiếm mua sắm trực tuyến của hãng.

Con số này chỉ bằng doanh thu trong hơn hai tuần của Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, và có phần chắc sẽ không ảnh hưởng gì đến lượng dự trữ tiền mặt 102,9 tỷ đôla của họ. Nhưng sự kiện này có thể tác động thêm tới cuộc chiến thương mại âm ỉ giữa Brussels và Washington.

Google cho biết sẽ kháng cáo về khoản phạt. "Chúng tôi lo ngại rằng quyết định ngày hôm nay sẽ làm xáo trộn sự cân đối mà chúng tôi tạo ra rất cẩn thận với Android, và nó gửi ra tín hiệu đáng lo ngại, thiên vị cho các hệ thống độc quyền hơn là các nền tảng mở", Giám đốc điều hành (CEO) Sundar Pichai của Google cho biết trong một bài blog.

Ủy viên về chống độc quyền của EU, Margrethe Vestager, cũng ra lệnh cho Google ngừng các biện pháp chống cạnh tranh trong các hợp đồng với các nhà cung cấp điện thoại thông minh và các nhà mạng viễn thông trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ phải chịu thêm mức phạt lên tới 5% doanh thu trung bình hàng ngày trên toàn cầu của hãng mẹ Alphabet.

Lãnh đạo của bà Vestager, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, sẽ gặp Tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 25/7 tới nhằm ngăn chặn các mức thuế mới bị Mỹ đe doạ sẽ đánh vào ô tô EU trong bối cảnh ông Trump phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ.

Android được cài trong khoảng 80% điện thoại thông minh trên thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.

Theo giám đốc quỹ Polar Capital, Ben Rogoff, việc thực thi các quy định có thể không có mấy tác dụng đối với những hãng công nghệ khổng lồ như Google và Facebook với sức mạnh thị trường rất chắc chắn.

“Trên thực tế, miễn là họ cung cấp tiện ích tuyệt vời cho người tiêu dùng của họ, người ta sẽ vẫn sử dụng những nền tảng đó. Nếu họ làm như vậy, các nhà quảng cáo cũng sẽ bị thu hút tới những nền tảng đó, bởi vì khó đạt được mức lợi tức từ đầu tư tương tự như thế ở bất cứ nơi nào khác”, ông nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG