Tiếp theo sau vụ việc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society) ghi chú chữ ‘Trung Quốc’ vào khu vực Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam lại vừa phát hiện bản đồ trực tuyến Google Maps vẽ sai đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bản tin của Asia News Network trích lời ông Đỗ Viết Thi, Phó giám đốc Trung tâm biên giới và địa giới, phát biểu trên báo chí Việt Nam cho hay khi truy cập ứng dụng Google Maps, phần lãnh thổ Việt Nam có diện tích ước tính hàng ngàn kilomet vuông đã bị vẽ nằm bên biên giới Trung Quốc.
Cũng theo ông Thi, sự sai lệch này dễ dàng phát hiện bằng mắt thường tại tuyến biên giới phía Bắc từ Điện Biên cho đến thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và rõ nhất là tại hai thành phố Lào Cai và Móng Cái, đường biên giới bị vẽ sai và lấn sâu vào địa phận Việt Nam.
Ông Thi cho biết đường biên giới lịch sử Việt - Trung ở 2 khu vực này dựa theo địa hình, đi theo sông. Từ thế kỷ thứ 19 bản đồ của 2 nước cũng đều thể hiện giống nhau và không có gì thay đổi.
Hãng thông tấn Đức cho biết trong một cuộc họp báo với các cơ quan truyền thông của nhà nước hôm thứ Bảy vừa qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói rằng: "Bản đồ trực tuyến Google Maps đã thể hiện sai lệch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót này theo bản đồ chính thức hiện hành của Việt Nam.”
Bà Nga cũng cho hay chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã ký Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền (ngày 18/11/2009). Bà Nga nói rằng đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được mô tả rõ ràng, chi tiết bằng tọa độ cụ thể trên bản đồ. Hai bên đang làm các thủ tục để phê chuẩn theo quy định pháp luật của mỗi nước để đưa các văn kiện này vào cuộc sống.
Theo bà Nga các văn bản này sẽ chính thức được lưu chiểu ở Liên Hợp Quốc và được cung cấp cho các tổ chức, đơn vị phát hành, in ấn bản đồ trên thế giới.
Nguồn: DPA, Asia News Network