Google vừa ký thỏa thuận với chính phủ Cuba, theo đó công ty internet khổng lồ sẽ được quyền cung cấp dịch vụ truy cập vào kho dữ liệu của Google tại Cuba, tạo được một chỗ đứng quan trọng trong lãnh vực mạng điện toán đang bắt đầu phát triển rất nhanh tại đảo quốc này.
Thỏa thuận đạt được hôm thứ Hai sẽ cho phép Google cài đặt các máy chủ trên quốc đảo này để lưu trữ những nội dung phổ biến nhất.
Bà Tania Velesquez, Giám đốc Thương mại và tiếp thị của ETESCA, cơ quan truyền thông của chính phủ Cuba, nói với các nhà báo rằng thỏa thuận này sẽ nâng cao trải nghiệm Internet cho tất cả người dân Cuba:
“Thỏa thuận sẽ rút ngắn thời gian truy cập vào các nội dung của Google trên Internet, cung cấp dịch vụ với chất lượng và tốc độ cao hơn, tối ưu hóa năng lực của hệ thống mạng quốc tế của ETECSA để có thể đáp ứng nhu cầu băng thông rộng cho Cuba”.
Chủ tịch Google Eric Schmidt đã chính thức ký kết thỏa thuận với bà Velesquez tại trụ sở ETESCA ở Havana.
Cuba là một trong nước có tỷ lệ sử dụng internet thấp nhất thế giới. Một số nhà phân tích nói chỉ có khoảng 5% công dân nước này có quyền truy cập vào các trang web của thế giới.
Chính phủ Cuba đã giải quyết vấn đề bằng cách cung cấp các điểm wifi ở các thành phố lớn, nhưng tốc độ chậm và giá dịch vụ quá đắt so với mức sống của phần lớn người dân Cuba, khoảng 2 đôla/giờ, trong khi mức lương công nhân trung bình ở nước này chỉ khoảng 20 đôla.
Thỏa thuận vừa đạt cho phép người dân Cuba truy cập vào mạng lưới các máy chủ được gọi là Google Global Cache với các trang dịch vụ của Google như Gmail và YouTube kết nối toàn cầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thúc đẩy việc cải thiện truy cập internet như một phần trọng tâm trong những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên cho tới nay, Cuba vẫn chưa cho phép các công ty Hoa Kỳ tham gia vào hệ thống mạng điện toán của nước này, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ ngưng các cải thiện quan hệ giữa hai địch thủ thời Chiến tranh Lạnh, trừ phi Cuba có những nhượng bộ về chính trị và các mặt khác.