Những thời điểm chính trong quá trình khủng hoảng chính trị và nợ Hy Lạp
|
Lo ngại về sự an toàn tài chánh, dân Hy Lạp đang bắt đầu rút những số tiền euro lớn ra khỏi các ngân hàng giữa lúc Hy Lạp cân nhắc số phận của quốc gia trong khối 17 quốc gia có đồng tiền chung.
Các nhà lãnh đạo Hy Lạp cho biết các người có tài khoản trong ngân hàng đã rút ra khoảng 700 triệu euro—gần 900 triệu đô la—hôm thứ Hai khi thấy rõ là các lãnh tụ chính trị tại Athens sẽ không đạt được thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp mới. Do sự trì hoãn này, Hy Lạp sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 17 tháng Sáu.
Hoạt động ngân hàng dường như bình thường hôm thứ Tư, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias trích lời của Thống đốc Ngân hàng Trung ương George Provopoulos nói không có hoảng loạn, nhưng “có lo ngại lớn có thể trở thành hoảng loạn.”
Những nghi ngờ về việc Hy Lạp có tiếp tục là thành viên của khu vực đồng euro hay không tăng nhanh trong những ngày gần đây. Nhiều nhà phân tích tài chánh nghĩ là Hy Lạp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi hiệp ước tiền tệ và trở lại sử dụng đơn vị tiền tệ riêng trước đây, là đồng drachma.
Trung tâm của những cuộc tranh luận là liệu Hy Lạp sẽ tuân thủ những cam kết thực hiện những biện pháp tiết kiệm gắt gao để đổi lấy hàng tỉ đô la cứu nguy của quốc tế lần thứ hai trong vòng hai năm qua hay không.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nói rõ là Hy Lạp phải tuân thủ hiệp ước đã thỏa thuận nếu không sẽ không nhận được bất cứ trợ giúp nào thêm.
Tuy nhiên người dân Hy Lạp càng ngày càng bất bình với việc cắt giảm chi phí xã hội được các chủ nợ yêu cầu, nên thường xuyên đổ ra đường biểu tình.