Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường, vì cho rằng ông “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khi xuất bản những cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Thông tin này đã gây chấn động trong giới trí thức Việt Nam. Một nhà quan sát nói với VOA rằng với quyết định này, Đảng Cộng sản đã “dấn thêm một bước tự chôn mình”, trong khi một trí thức khác lo ngại sẽ “quá muộn” một khi “những cơn bão sự thật” ập đến.
Sách trái quan điểm
Truyền thông nhà nước ngày 25/10 dẫn thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng: “Với cương vị là Giám đốc-Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy”.
Theo tìm hiểu của VOA, những cuốn sách bị xem là “trái quan điểm” của Đảng là những sách về triết học, chính trị-kinh tế học như “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, “Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền” của John Locke, “Nền Dân Trị Mỹ” của Alexis De Tocqueville…
Những cuốn sách này vẫn được giới trí thức Việt Nam xem là “tinh hoa” tri thức mà NXB Tri Thức cố gắng mang đến cho người dân Việt Nam.
“NXB Trí Thức định mang cho mọi người một chút ánh sáng nhưng bây giờ cũng không làm được. Cuộc đời rồi sẽ được những cơn bão táp của sự thật vả vào mặt thì đó sẽ là bài học ghê gớm. Lúc bấy giờ mới ngồi đọc sách thì đã muộn rồi”, nhà giáo Phạm Toàn, một người rất có tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam, nói với VOA.
“Sách hay thì bao giờ cũng đụng chạm đến sự lạc hậu. Sách hay bao giờ cũng mở mang đầu óc con người, và sự lạc hậu thì khó chịu. Sách hay bao giờ cũng làm cho bọn phát xít sợ”, nhà giáo Phạm Toàn nói thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), tổ chức quy tụ những tên tuổi nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đã bị nhà nước giải tán, trong đó có GS. Chu Hảo, nói rằng GS. Chu Hảo là người có công rất lớn với dân tộc, đất nước Việt Nam.
“Giáo sư Chu Hảo là một người có tiếng, là người quản lý nhà nước rất giỏi. Thời ông làm Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường, ông đã có công rất lớn trong việc giúp nhà nước hoạch định chính sách phát triển công nghệ cũng như khoa học, kỹ thuật, nhất là việc đưa internet vào Việt Nam”.
“Sau khi nghỉ hưu, ông đã tích cực hoạt động tham gia vào hoạt động truyền bá kiến thức với tư cách làm Giám đốc-Tổng biên tập NXB Tri Trức. Ông đã có công rất lớn với dân tộc Việt Nam là đã xuất bản những tác phẩm rất có giá trị trên thế giới trong Tủ sách tinh hoa của NXB. Tôi cho đó là cái công rất lớn”.
Quyết định đi ngược lợi ích đất nước
Trong thông cáo báo chí, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng vi phạm của GS. Chu Hảo là “rất nghiêm trọng”. Ngoài việc xuất bản sách trái quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, ông Chu Hảo còn có “những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng…”. Ủy ban này kết luận rằng ông Chu Hảo đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’” và đề nghị phải xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Chu Hảo.
Thông tin về việc kỷ luật ông Chu Hảo đã gây chấn động dư luận Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức.
TS. Nguyễn Quang A nói ông “thất vọng” với quan điểm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản. Ông nói “Quyết định như thế là đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích lâu dài của đất nước Việt Nam”.
Ông cho rằng những đóng góp, “công lớn” của GS. Chu Hảo lâu nay đã bị “những người đầu óc rất thủ cựu của đảng Cộng sản coi là sai lầm, khuyết điểm”.
“Với quyết định này, đảng Cộng sản Việt Nam đã dấn thêm một bước tự chôn mình”, TS. Nguyễn Quang A nói thêm.
Còn nhà giáo Phạm Toàn nói: “Anh Chu Hảo năm nay đã 80 tuổi. Nếu anh ấy bị kỷ luật thì là vì anh ấy tốt quá, khác với những người được khen hoặc những người bị kỷ luật khác vì họ tồi quá”.
Giáo sư Chu Hảo sinh ngày 15/5/1940. Ông từng đi học ở Liên Xô, làm việc tại Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử của Nga, sau đó sang Pháp làm luận án tiến sĩ. Ông được phong hàm Giáo sư năm 1983.
Ông từng đảm nhận các chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, Chánh văn phòng Chương trình quốc gia về phát triển Công nghệ Thông tin, Thứ trưởng Bộ KHCN.
Năm 2005, ông được tặng Huân chương Quốc công của Pháp.
Sau khi về hưu, ông làm Giám đốc-Tổng biên tập NXB Tri Thức.