Ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư gốc Việt ở Pháp, không loại trừ khả năng nêu vụ Bộ trưởng Nhạ “tự đạo văn” lên Tổng bí thư (TBT) Đảng Nguyễn Phú Trọng, sau khi một tờ báo Việt Nam mới đây lên tiếng về vụ này nhưng đã rút bài nhanh chóng sau đó.
Họ tìm mọi cách không minh bạch, không đàng hoàng để che lấp đi những sự giả dối trong khoa học. Tất cả những cách đấy chỉ chứng tỏ thêm họ thiếu tư cách.Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng trả lời phỏng vấn VOA
Bài báo có tên “Nói thẳng: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên lên tiếng”, được báo Người Lao Động đăng hồi 7h sáng ngày 26/2, cho hay, trong những ngày gần đây, báo cáo của Giáo sư (GS) Dũng và cộng sự chứa đựng bằng chứng cho thấy Bộ trưởng Nhạ “tự đạo văn” đã gây sốt trên mạng xã hội.
“Báo cáo trên có mục đích làm rõ sự không bình thường trong việc phong hàm GS cho ông Nhạ hồi năm 2016 khi ông đã là bộ trưởng Bộ GD-ĐT [Giáo dục-Đào tạo]”, theo một đoạn của bài báo.
Bản báo cáo 10 trang của GS Dũng, thuộc Đại học Toulouse, Pháp, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Nhạ. Ông Dũng đã gửi báo cáo tới tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam cách đây 10 ngày.
Hai vấn đề được nêu hàng đầu trong báo cáo là các hành vi “tự đạo văn” và “trích dẫn khống” của ông Nhạ.
Bài báo đăng trên Người Lao Động kêu gọi vị bộ trưởng GD-ĐT “nên lên tiếng chính thức” về báo cáo. Tác giả bài thậm chí còn đề xuất rằng “GS Nhạ cần có một báo cáo khoa học” để phản biện lại những vấn đề nêu trong báo cáo của GS Dũng và công sự”, và bình luận thêm rằng “đó là cách tốt nhất chứ không phải im lặng trước dư luận rất bất lợi như hiện nay”.
Câu kết của bài nhận định đó cũng là cách để GS Nhạ “bảo vệ” uy tín khoa học, uy tín cá nhân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và “đặc biệt là bảo vệ uy tín của Chủ tịch HĐCDGSNN [Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước]”, một chức vụ khác mà ông Nhạ kiêm nhiệm.
Trong vòng khoảng 8 tiếng kể từ khi được đăng, bài báo đã bị rút xuống. Báo Người Lao Động không công bố lý do rút bài.
GS Dũng cho biết VOA đến chiều 26/2, giờ Hà Nội, vẫn chưa có bất cứ hồi đáp chính thức nào từ cả hội đồng lẫn cá nhân ông Nhạ về báo cáo của ông.
Về sự xuất hiện và biến mất của bài báo liên quan đến vụ việc này trên một tờ báo trong nước, GS Dũng nói ông “không ngạc nhiên”, đồng thời nhận xét rằng “luôn có những nhà báo Việt Nam chuyên nghiệp muốn đưa những vấn đề như thế này ra để có thảo luận nghiêm túc”.
Giáo sư cho biết đã có một số nhà báo trong nước liên lạc để phỏng vấn ông, và điều đó cho thấy có mối quan tâm cao của báo giới trong nước.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng “ông Nhạ và phe của ông ấy” không dễ dàng chịu công nhận “cái sai, cái sự giả khoa học của mình”:
“Họ tìm mọi cách không minh bạch, không đàng hoàng để che lấp đi những sự giả dối trong khoa học. Tất cả những cách đấy chỉ chứng tỏ thêm họ thiếu tư cách”.
Vị giáo sư hiện mang quốc tịch Pháp mặc dù vậy bày tỏ niềm tin lạc quan rằng lãnh đạo chính trị cao nhất của Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, sẽ không đồng tình với việc làm của Bộ trưởng Nhạ, theo cách gọi của GS Dũng là “dùng chính trị để lấp liếm, tiêu diệt khoa học”.
Đưa ra lý do về sự lạc quan của mình, ông Dũng nói giữa ông và TBT Trọng có thể khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng về việc “cán bộ phải trong sạch, phải trung thực”, ông tin rằng người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng đồng ý với ông.
Nhấn mạnh mình là nhà khoa học nghiêm túc và theo đuổi một việc cho đến cùng, GS Dũng không loại trừ việc sẽ đưa báo cáo về sự “tự đạo văn, giả khoa học” của Bộ trưởng Nhạ lên TBT ĐCSVN:
“Tôi không muốn dính dáng đến chính trị. Nhưng tôi làm việc này là vì khoa học, vì giáo dục. Tôi sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để cho vụ này được làm sáng tỏ. Tất nhiên là có chuyện liên hệ trực tiếp với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và không chỉ là liên hệ với ông Nguyễn Phú Trọng, tôi sẽ còn có nhiều biện pháp khác”.
Người đi đầu trong việc đưa ra báo cáo về Bộ trưởng Nhạ không nói thêm các biện pháp khác là gì. Song ông cho biết thêm ông không đơn độc mà có sự tham gia của “các nhà khoa học nghiêm túc khác” và nỗ lực hiện nay của họ là “cơ hội để làm trong sạch nền giáo dục Việt Nam”.
VOA đã cố gắng liên lạc Bộ trưởng Nhạ, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và Văn phòng Trung ương Đảng để tìm hiểu phản ứng của họ, song không kết nối được.
Tất nhiên là có chuyện liên hệ trực tiếp với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và không chỉ là liên hệ với ông Nguyễn Phú Trọng, tôi sẽ còn có nhiều biện pháp khác.Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng
Giáo sư Dũng cho VOA hay kể từ khi ông công bố báo cáo hôm 18/2, ông đã nhận nhiều lời đe doa và bôi nhọ, tài khoản mạng xã hội của ông bị tin tặc tấn công nhiều lần.
Sau khi báo cáo được công bố, nó đã được chia sẻ rộng rãi bởi nhiều người sử dụng mạng xã hội, thu hút hàng nghìn “phản ứng” và hàng trăm ý kiến bình luận. Cùng thời gian, một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội như nhà báo Trương Huy San, còn biết đến với tên Huy Đức, thậm chí đã kêu gọi ông Nhạ từ chức bộ trưởng.