Dù được khoác bộ y phục mỹ miều là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước”, nhưng cũng như Trung Quốc, quốc gia láng giềng cùng chung ý thức hệ cộng sản, Việt Nam lại đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ của một hình thái tư bản chủ nghĩa rừng rú.
Đặc trưng cơ bản của thứ chủ nghĩa tư bản “mang màu sắc xã hội chủ nghĩa” này là đám tham quan nhũng lại đội lốt “đầy tớ nhân dân” cấu kết với đám mafia kinh tế khoác áo “doanh nhân” mặc sức cướp đoạt đất đai của nhân dân, tài sản của nhà nước, tài nguyên của quốc gia… thông qua các dự án kinh tế siêu lợi nhuận, bất chấp những hệ luỵ nghiêm trọng như tầng lớp nông dân bị bần cùng hoá, môi trường bị huỷ diệt, hay cảnh quan thiên nhiên bị tàn hại, v.v.
Mới đây, trong một dịp ghé thăm Hạ Long, chúng tôi lại được “mục sở thị” thực trạng đáng báo động đó ngay trên địa danh hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới – lần thứ nhất năm 1994 về giá trị thẩm mỹ và lần thứ hai năm 2000 về giá trị địa chất, địa mạo. Hàng trăm ha mặt biển thuộc vùng đệm của di sản, vốn bị cấm xâm phạm theo hồ sơ di sản cũng như quy định của UNESCO, đang bị san lấp ồ ạt.
Mahatma Gandhi từng nói: “Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người.” Khi pháp luật và các chuẩn mực đạo đức của xã hội, những công cụ tiết chế lòng tham của con người, bị vô hiệu hay băng hoại, sớm muộn gì môi trường sống của chúng ta cũng bị huỷ diệt, mà vụ Formosa Hà Tĩnh xả thải đầu độc cả vùng biển Bắc Trung Bộ mới đây là một minh chứng điển hình.
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.