Đường dẫn truy cập

Hà Nội phản bác báo cáo ‘sai lệch’ của Mỹ về tự do tôn giáo Việt Nam


Người dân tham gia một buổi cầu nguyện tập thể để kêu gọi công lý cho một blogger và một nhà hoạt động bảo vệ quyền đất đai tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội hôm 18/9/2016. Mỹ cho rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam còn bị xâm phạm nhưng Hà Nội phản bác báo cáo đó.
Người dân tham gia một buổi cầu nguyện tập thể để kêu gọi công lý cho một blogger và một nhà hoạt động bảo vệ quyền đất đai tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội hôm 18/9/2016. Mỹ cho rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam còn bị xâm phạm nhưng Hà Nội phản bác báo cáo đó.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/5 phản bác các thông tin trong báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, mà họ cho là “sai lệch” và “thiếu khách quan” trong đánh giá về tình hình tôn giáo của quốc gia Đông Nam Á này.

Báo cáo thường niên năm 2019 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố hôm 29/4 nhận định rằng tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục “có khuynh hướng tiêu cực” và “tình trạng chung của các nhóm tôn giáo (ở Việt Nam) đã xấu đi trong năm 2018.”

Các vấn đề lớn tại Việt Nam được USCIRF nêu trong bản phúc trình 2019 là: Hội Cờ đỏ, Chi phái Cao Đài 1997, tình trạng vô quốc gia của người Tin Lành H’mong và Tây Nguyên, tù nhân lương tâm, và việc chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa.

“Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam,” người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng nói trong phần tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/5.

Tuy nhiên bà Hằng không chỉ ra những thông tin “sai lệch” cũng như những đánh giá “không khách quan” trong báo cáo của USCIRF.

Trong kết luận của báo cáo của USCIRF, cơ quan của chính phủ Mỹ cho rằng “Việt Nam rõ ràng đã cải thiện các điều kiện tự do tôn giáo trong 40 năm kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền… nhưng những vi phạm về tự do tôn giáo vẫn nằm trong mức độ của một quốc gia cần được quan tâm đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).”

Báo cáo của USCIRF viết rằng: “Trong năm 2018, chính quyền tiếp tục đàn áp trên diện rộng các lãnh tụ tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động ôn hòa, và những người chỉ trích khác trên toàn quốc, đặc biệt là để đáp trả những cuộc phản đối trên diện rộng chống lại Luật An ninh mạng hà khắc và dự luật về đặc khu kinh tế.”

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao hôm 9/5 khẳng định rằng: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.”

Theo BNG thì khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự…

Theo người phát ngôn của bộ, “Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.”

Trong khi đó, một trong những vi phạm của Việt Nam mà báo cáo của USCIRF đề cập đến là việc chính quyền Đà Nẵng cưỡng chế chùa An Cư ở quận Sơn Trà, và tịch thu đất của 7 hộ dân giáo xứ Cồn Dầu vào tháng 11/2018.

Nói với VOA hôm 30/4, các chức sắc tôn giáo độc lập ở Việt Nam cho biết họ đồng tình với báo cáo 2019 của USCIRF và nhấn mạnh rằng Mỹ nên áp dụng Luật Magnistky để trừng phạt quan chức Việt Nam vi phạm luật.

Hôm 29/4, một lần nữa USCIRF đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt (CPC) dựa trên nhận định rằng Hà Nội vẫn “tiếp tục đàn áp nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG