Hải Lê
Phát ngôn quan trọng nhất bị “delete”
“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tận dụng cơ hội cuối cùng từ “Nhà Vàng” (Phủ Chủ tịch) để gửi tới bàn dân thiên hạ lời thanh minh. Tuy nhiên, nếu điều ông Phúc vừa nói “đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) kết luận”, thì UBKT Trung ương hoặc Ban Bí thư nên là bên đứng ra để công bố, đập tan những “luận điệu” gọi bà Trần Thị Nguyệt Thu là “trùm cuối”. Đến như một doanh nhân, cứ cho là “top five” trên cả nước như Phạm Nhật Vượng, khi bị dư luận đồn thổi là ông không được phép xuất cảnh, thì cũng đã được một Trung tướng Công An chính thức đứng ra “thanh minh, thanh nga” giùm, đấy là tin rác, không đúng sự thật. Nay đối với Phu nhân cựu Chủ tịch nước mà chẳng nhẽ không được hưởng cái ân huệ cho dù là hiếm hoi ấy. Bởi lẽ, nếu không ai đứng ra “bảo lãnh” tuyên bố cuối cùng của ông Phúc thì hoặc là ông Phúc nói dối, hoặc là ĐCSVN đã “cạn tàu ráo máng” với ngay chính đảng viên của mình, cho dù chỉ mới mấy ngày trước, đảng viên ấy còn là một nguyên thủ quốc gia.
Chưa hết, chiều ngày 4/2/2023, một số tờ báo tại Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Chính Phủ… đã đồng loạt đăng tải phát ngôn nói trên của cựu Chủ tịch nước về gia đình và vợ con ông. Tuy nhiên, đến tối ngày 5/2, phần phát ngôn quan trọng nhất đó của ông Phúc đã “không cánh mà bay”. Lời thanh minh này đã bị “bóc”, bị “delete” ngay ngày hôm sau. Như vậy, cuộc đấu tranh giữa các phe phái đã bộc lộ công khai. Việc Ban Tuyên giáo Trung ương hành động không quang minh chính đại như vậy càng khiến cho dư luận hoang mang. Hệ thống truyền thông chỉ cho giữ lại những đoạn sáo rỗng, liên quan đến cám ơn cám nghĩa. Đại thể, ông Phúc nói ông giữ trọng trách Chủ tịch nước từ ngày từ tháng 4/2021 đến 18/1/2023 – tức là gần 21 tháng. Theo ông Phúc, trong thời gian giữ chức vụ, ông đã “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng…” nhưng “khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng”, nên ông Phúc “đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu”. “Căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước, xem xét nguyện vọng của tôi, Đảng, Nhà nước đã đồng ý để tôi thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV”, ông Phúc nói.
Vụ Việt Á đình đám kéo dài 13 tháng với 104 bị can đã xộ khám. Dư luận cứ tưởng mọi việc thế là an bài. Phát ngôn ngày 4/2 của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khiến cho công luận giật mình. Vậy “trùm cuối” là ai? Ông Phúc phủ nhận tin đồn liên quan đến vợ con ông, tức ông phải biết ai là “trùm cuối”. Thế tại sao ông không được phép nói trắng ra? Hay bời vì, “trùm cuối” là một “siêu nhân”, một “siêu quyền lực” và không nằm ở trong nước? Đây là lần đầu tiên một trong tứ trụ ở Việt Nam lên tiếng về việc bãi nhiệm chức vụ của mình, điều không được công bố rõ ràng khi cho thôi việc đối với các quan chức cấp cao trong ĐCS. Hiện vẫn chưa rõ lời thanh minh của ông Phúc cho vợ con của mình về vụ Việt Á rồi đây sẽ được kiểm chứng hay không? Tuy nhiên, thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook và YouTube lan truyền dai dẳng các thông tin không kiểm chứng cho rằng, vợ ông Phúc – bà Trần Thị Nguyệt Thu, là “trùm cuối của Việt Á” và bà Thu đã bị “hoãn xuất cảnh”.
Khủng hoảng trên thượng tầng ĐCS?
Trong bối cảnh thông tin tù mù như trên, việc minh bạch lý do bị phế truất của ông Nguyễn Xuân Phúc là rất cần thiết. Đúng như nhà báo Huy Đức đã đặt vấn đề, nếu ông Phúc xin từ chức (hoặc bị phế truất) vì có nhiều cấp dưới bị sai phạm, vì trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, thì trong hệ thống chính trị này, Chủ tịch nước chưa phải là người đứng đầu. Trong hệ thống chính trị này, TBT Nguyễn Phú Trọng mới là người đứng đầu, vì ông Trọng là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 và đã có những phát ngôn chắc như “đinh đóng cột” bảo lãnh về chất lượng đối với đội ngũ Trung ương và Bộ Chính trị do đích thân ông lựa chọn. Uy tín của một quốc gia không mất vì có nguyên thủ tham nhũng, uy tín quốc gia chỉ mất khi nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật. Trong 7 năm qua, tuy đạt được những kết quả không thể không ghi nhận như bắt bớ, kỷ luật hoặc buộc thôi giữ chức hàng trăm cán bộ. Nhưng, gần như chưa có cải cách nào đáng kể, xây dựng trong tương lai một môi trường minh bạch để quan chức không muốn tham nhũng, không phải tham nhũng và không thể tham nhũng.
Việc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến nay vẫn chưa phải là mục tiêu của công cuộc “đốt lò” đã gửi đi thông điệp sai lệch. Thông điệp càng bị sai lệch khi một loạt cựu Ủy viên Bộ Chính trị như các ông Lê Thanh Hải (Sài Gòn), Hoàng Trung Hải (Hà Nội), Nguyễn Văn Bình (Ban Kinh tế Trung ương)… đều bị kỷ luật Cảnh cáo nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn loay hoay chưa biết xử lý tiếp những “con sâu bự” này như thế nào để các “đồng chí Trung Quốc” chấp thuận. Ngay đến cả ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây mấy ngày còn là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp mà ông cũng chỉ biết dựa vào quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để thanh minh bản thân và gia đình vô tội. Đấy không chỉ là bi kịch của cá nhân ông Phúc và gia đình, mà nó còn là thảm trạng của toàn thể người dân Việt Nam hiện nay đang phải sống trong một nhà nước độc tài – toàn trị, luận tội thông qua đường đảng, chứ không qua luật pháp!
Cuối cùng, dẫu vì lý do gì thì việc đảng ép Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ vẫn là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử ĐCSVN, có tác động lớn đối với đảng viên và người dân. Điều này đòi hỏi ĐCS phải có cách xử lý và xác định trách nhiệm cho tương xứng, chứ không thể làm một cách cải lương như “màn kịch” bàn giao công tác tại “Nhà Vàng” hôm 4/2. Dẫu sao, với phát biểu chấn động hôm ấy, vở kịch Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ còn nhiều pha hấp dẫn. Bởi vì, thượng tầng ĐCSVN đang bất ổn, không thể che dấu mãi được. Nó thể hiện ngay ở màn kịch “Nguyễn Phú Trọng gặp các cựu lãnh đạo, bao gồm những người có tai tiếng” hôm 6/2/2023. Ông Trọng ca ngợi các cựu lãnh đạo là những người có trình độ cao và là chỗ dựa vững chắc cho đảng. Điều này sáo rỗng đến mức giả dối. Chẳng nhẽ ông Trọng muốn dựa vào điểm tựa như Nguyễn Tấn Dũng, địch thủ một thời làm ông rơi nước mắt?
Diễn đàn