Hôm 24/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã sa thải một nhân viên vì đã đánh một phụ nữ cách đó gần một tuần ở nơi công cộng.
Báo chí Việt Nam đưa tin sở đã “chấm dứt hợp đồng lao động” đối với ông Đào Vịnh Thuấn, thanh tra giao thông của sở, từ ngày 1/11.
Hôm 18/10, ông Thuấn và một người đàn ông khác là Trần Dương Tùng đã hành hung chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh, nhân viên của hãng Vietnam Airlines, tại sân bay Nội Bài.
Vụ việc đã bị ghi hình lại và đoạn video sau đó đã lan truyền trên mạng xã hội. Công chúng cho rằng sức ép từ những bình luận trên mạng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến việc kỷ luật ông Thuấn.
Tường thuật của báo chí cho hay lãnh đạo Sở GTVT, Giám đốc Vũ Văn Viện, đã phát biểu rằng hành vi của ông Thuấn đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh” của cán bộ, công chức của sở. Ông cũng giao Chánh thanh tra của sở chỉ đạo “rút kinh nghiệm” trong toàn lực lượng “để không xảy ra hành vi tương tự”.
Thông tin trên mạng xã hội cho hay ông Thuấn đã từng vài lần có hành động hung hãn ở nơi công cộng, dựa vào thế của anh trai là đại tá đứng đầu bộ phận cảnh sát giao thông làm ở thủ đô Hà Nội.
Dư luận bày tỏ trên mạng rằng họ hoan nghênh tin ông Thuấn bị sa thải, song cũng cho rằng chính quyền cần phải có các hành động cứng rắn hơn nữa đối với việc làm của ông và ông Trần Dương Tùng.
Nêu ra nguyên nhân sâu xa về văn hóa, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, trẻ vị thành niên (CSAGA), bình luận với VOA:
“Trước tiên là xử lý kịp thời như thế cũng làm dư luận giảm đi bức xúc. Tuy nhiên cái lâu dài hơn, nó không đơn giản chỉ là xử lý một trường hợp như thế này. Bởi vì rất có thể sau khi bị đuổi ở cơ quan này, thì anh ta lại trở thành ở một vị trí quan trọng ở một cơ quan khác thì sao. Thật đáng buồn là có một bộ phận những người cậy có tiền, cậy có quyền, cậy quen người nọ người kia, con ông cháu cha, thì có một cái văn hóa rất là xấu. Và họ không được dạy dỗ những giá trị căn bản của đạo làm người”.
Bà Vân Anh cũng đề cập đến việc luật pháp không được áp dụng nghiêm minh, công bằng khi xử lý những người vi phạm. Điều đó phần nào dẫn đến những hành xử sai trái hoặc vô văn hóa. Bà nói:
“Trong rất nhiều trường hợp lại đưa ra cái mọi người vẫn nói là nhất quen nhì thân. Luật pháp mà sử dụng dưới cái tình thân thì đương nhiên nó không còn đứng đúng vai trò của luật pháp nữa. Cái điều đấy nó khiến cho xã hội của chúng ta không tuân thủ gì theo luật pháp cả”.
Lúc này, công chúng Việt Nam đang theo dõi xem liệu động thái tiếp theo về mặt pháp luật đối với ông Thuấn và ông Tùng sẽ là gì.