Đường dẫn truy cập

Nhà nghiên cứu: Bạo lực của nhà tu hành là không chấp nhận được


Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Báo chí Việt Nam đưa tin đã xảy ra một vụ bạo lực chết người tại một ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/10.

Dùng từ “sư thầy truy sát kinh hoàng”, một số báo cho hay vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Các báo dẫn lại thông tin của công an nói rằng do mâu thuẫn giữa các sư thầy trong chùa, một nhà sư 25 tuổi có pháp danh Thiện Huy đã cầm dao “chém loạn xạ” khiến một người tử vong, 5 người bị thương nặng.

Tin cho hay người thiệt mạng là một phụ nữ khoảng 70 tuổi đang thắp nhang tại chùa khi vụ bạo lực xảy ra.

Một số nhà nghiên cứu và báo chí lâu nay đã chỉ ra rằng bạo lực xảy ra tương đối thường xuyên trong xã hội Việt Nam và có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, vụ chém người trong một ngôi chùa đã gây chấn động đặc biệt vì nó là vụ bạo lực do một nhà tu hành gây ra.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho rằng những hành xử của các nhà tu hành trái với các tín điều tôn giáo và trái pháp luật là không chấp nhận được. Bà nói với VOA:

“Tôi tin rằng là không ai chấp nhận những cái vụ việc như là đánh nhau giữa các nhà tu hành, các vụ bạo lực giữa các nhà tu hành, cũng như việc các nhà tu hành lợi dụng cái vị thế của mình để mà kiếm lợi cho bản thân, hay làm những việc sai trái với những quy tắc, những tín điều của tôn giáo, hoặc là vi phạm đạo đức xã hội. Chẳng hạn như buôn bán trẻ em, hay lợi dụng những đóng góp của các tín đồ để mang lại lợi ích cho cá nhân, hay là những hành vi phản cảm”.

Không trực tiếp nghiên cứu về tôn giáo, Tiến sỹ Hồng đưa ra quan sát cá nhân cho rằng ở Việt Nam có nhiều tôn giáo cùng tồn tại, song có một số tôn giáo được tổ chức chặt chẽ hơn các tôn giáo khác. Bà nhận xét là ở những tôn giáo có tổ chức lỏng lẻo, một số nhà tu hành và tín đồ không tuân thủ các tín điều hoặc các quy ước tôn giáo, và đó có thể là lí do dẫn đến “một số vụ lộn xộn”. Bà nói:

“Chẳng hạn như là cách hành xử của một số người tu hành lại không đúng mực và việc lợi dụng tôn giáo để kiếm lợi ích cho mình. Một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Thì tôi cho rằng đấy là tính tổ chức của một số tôn giáo không được chặt chẽ dẫn đến tình trạng như vậy. Sự phát triển của một số tôn giáo trong thời gian gần đây tôi có cảm giác nó vượt qua sự kiểm soát của hệ thống tôn giáo đấy. Cho nên dẫn đến một số tín đồ hay các nhà tu hành lại không hành xử theo đúng những tín điều mà tôn giáo đấy đặt ra”.

Trên một bình diện rộng hơn, nhà nghiên cứu xã hội học Khuất Thu Hồng nói Việt Nam có nhiều vấn đề về giáo dục cũng như pháp luật, hiểu biết và lòng tin vào pháp luật trong người dân còn thấp, điều này là một phần nguyên nhân khiến nhiều người dễ đi đến hành vi bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn. Bà cho biết các nghiên cứu do viện của bà thực hiện cho thấy tỷ lệ người dân biết về luật trong những lĩnh vực liên quan là chưa đến 50%. Bà phân tích:

“Tôi nghĩ việc giáo dục và tuyên truyền pháp luật ở Việt Nam đang khá là yếu. Và một vấn đề nữa, vấn đề thực thi luật pháp cũng đang khá là yếu. Chính vì việc thực thi luật pháp yếu nên người dân có cảm giác là họ không còn tin vào pháp luật, và tự hành xử, tự ứng xử theo những quy tắc ứng xử của riêng họ thay vì trông chờ, tìm đến luật pháp để tìm lại sự công bằng”.

Bà Hồng cũng cảnh báo rằng việc giáo dục về luật pháp trong các nhà trường còn phiến diện và thiếu thực tế, bên cạnh đó việc truyền thông về luật pháp có làm nhưng chưa đầy đủ. Về sâu xa, những điều này có thể góp phần vào cung cách hành xử bạo lực của người dân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG