Đường dẫn truy cập

Hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ có thể nhiễm độc sau thảm họa Formosa?


Cá chết ở một cơ sở đông lạnh ở Hà Tĩnh vào tháng 4/2016. Một chuyên gia luật của Mỹ vừa cảnh báo hải sản nhập từ Việt Nam có thể nhiễm độc sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra.
Cá chết ở một cơ sở đông lạnh ở Hà Tĩnh vào tháng 4/2016. Một chuyên gia luật của Mỹ vừa cảnh báo hải sản nhập từ Việt Nam có thể nhiễm độc sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra.

Một chuyên gia luật của Mỹ vừa cảnh báo về nguy cơ hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ có thể bị nhiễm độc sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, và kêu gọi thắt chặt việc kiểm tra hải sản nhập vào Mỹ.

Giáo sư Lisa Heinzerling thuộc khoa luật, trường Đại học Georgetown ở Washington, nêu lên lo ngại này tại một hội nghị ở Thượng viện Mỹ hôm 10/5, thảo luận những khía cạnh pháp lý và môi trường về việc xả thải độc ra biển.

"Ở Mỹ, chúng tôi nhập khẩu đến 80% lượng hải sản mà chúng tôi tiêu thụ. Điều ngạc nhiên là Mỹ vẫn chưa điều tra về chất lượng môi trường ở Việt Nam. Môi trường ở Việt Nam đang bị ô nhiễm. Như vậy thực phẩm mà chúng ta nhập từ Việt Nam có thể bị nhiễm độc," theo bà Heinzerling.

Cá bày bán ở Nha Trang. Mỹ là thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng sản lượng của ngành công nghiệp xuất khẩu hải sản trị giá 7 tỷ đô la hàng năm.
Cá bày bán ở Nha Trang. Mỹ là thị trường nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng sản lượng của ngành công nghiệp xuất khẩu hải sản trị giá 7 tỷ đô la hàng năm.


Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hải sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng sản lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Hải sản của Việt Nam được xuất tới hơn 140 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ngành công nghiệp này đạt mức thu 7 tỷ đô la mỗi năm. Hoa Kỳ, cùng với Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 70% tổng mức xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Bà Heinzerling, một trong những diễn giả tại buổi hội thảo, nói: “nếu con người theo cách nào đó đóng góp làm nhiễm độc thực phẩm mà không qua việc tiêm thuốc, trong trường hợp xả thải độc ra biển Đông, đó là một cách tiêm thuốc không trực tiếp vào hải sản.”

“Mỹ có một cơ chế pháp lý và luật lệ lý tưởng và đầy quyền năng,” theo giáo sư Heinzerling của trường Đại học Georgetown. ​"Về luật mà nói, chúng tôi có những điều lệ chặt chẽ để kiểm duyệt hải sản nhập vào Mỹ. Chúng tôi muốn đảm bảo các công ty nhập khẩu hải sản phải có sẵn kế hoạch để giải quyết bất cứ mối nguy nào liên quan đến tính an toàn của hải sản đề có thể giải quyết sớm bất kỳ sự nguy hại nào do hải sản nhiễm độc nhập vào thị trường Mỹ."

"Ở Mỹ, chúng tôi nhập khẩu đến 80% lượng hải sản mà chúng tôi tiêu thụ. Điều ngạc nhiên là Mỹ vẫn chưa điều tra về chất lượng môi trường ở Việt Nam. Môi trường ở Việt Nam đang bị ô nhiễm. Như vậy thực phẩm mà chúng ta nhập từ Việt Nam có thể bị nhiễm độc."
Lisa Heinzerling, giáo sư khoa luật trường Đại học Georgetown

Nhưng bà Heinzerling cho rằng cơ chế này trong thực tiễn không có tác dụng nhiều và bà kêu gọi “hãy thu hẹp khoảng cách giữa luật trên mặt lý thuyết, và luật trong thực tiễn.”

"Tôi lấy làm ngạc nhiên là hải quan Mỹ phần lớn bỏ việc thực thi luật an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Chỉ có 1% hải sản nhập khẩu vào Mỹ là qua kiểm tra, phần còn lại là được đưa vào Mỹ mà không có sự kiểm duyệt."

Ngay sau khi vấn nạn môi trường Formosa xảy ra hồi năm ngoái, một nhóm nhà hoạt động Mỹ gốc Việt đã gửi thỉnh nguyện thư tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để thúc giục cơ quan này xét nghiệm và điều tra toàn bộ các sản phẩm hải sản nhập từ Việt Nam. Hồi năm ngoái, Mỹ đã từng ngưng nhập khẩu cá từ Việt Nam vì nghi ngờ có hóa chất độc hại.

Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Ngô Văn Ích được seafoodsource.com trích lời nói rằng một số công ty xuất khẩu hải sản Việt Nam, sẽ tiếp tục đối mặt với các loại thuế chống bán phá giá mà Mỹ và các thị trường khác áp đặt lên sản phẩm của Việt Nam. Cũng theo trang web này, trong những năm gần đây các công ty xuất khẩu Việt Nam đã chuyển hướng bỏ qua những thị trường khó tính để xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc – nước đang tiêu thụ khoảng 9% tổng sản lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu.

Các nhà hoạt động Việt Nam biểu tình ở Đài Bắc đòi công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh chịu trách nhiệm làm sạch những chất thải độc hại đổ ra biển miền Trung.
Các nhà hoạt động Việt Nam biểu tình ở Đài Bắc đòi công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh chịu trách nhiệm làm sạch những chất thải độc hại đổ ra biển miền Trung.


Ngay sau khi hàng trăm tấn cá chết trôi dạt trên 200km bờ biển 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 năm ngoái, hải sản từ khu vực này đã không được tiêu thụ, đẩy cộng đồng ngư dân địa phương vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, khách du lịch đã trở lại tắm biển và ăn hải sản ở đây, theo truyền thông trong nước đưa tin.

Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù cho các nạn nhân 500 triệu đô la nhưng dân chúng ở Việt Nam vẫn tiếp tục biểu tình yêu cầu chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa. Tuy vậy, tập đoàn Nhựa Formosa đầu tháng này ra thông báo đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào liên doanh thép của họ ở Việt Nam. Hoạt động của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh liên tục bị trì hoãn vì các cuộc biểu tình phản đối, tuy nhiên dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối nửa đầu năm nay.

Mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra một kết luận tương đối lạc quan về nỗ lực khắc phục lỗi và bảo vệ môi trường của nhà máy này, nhưng nhiều nhà hoạt động môi trường Việt Nam vẫn lo ngại về nguy cơ ô nhiễm sau thảm họa Formosa trong những năm tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG