Một ủy ban các chuyên gia, các nhà hoạt động và các ký giả đã họp tại New York để thảo luận về kết quả cuộc thăm dò qua điện thoại với 400 người Mỹ gốc Haiti, thực hiện trong thời gian từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 1 vừa qua. Cuộc thăm dò cho thấy 60% số người được thăm dò đã mất một người thân trong vụ động đất. Và hơn 2/3 sẵn sàng đi Haiti để giúp tái thiết nước này. 78% đã đóng góp tiền bạc trung bình 75 đôla 1 người, và dự định còn đóng góp thêm – đó là những khoản tiền đáng kể so với một cộng đồng di dân đa số là nghèo khó, theo nhân viên thăm dò Fernand Amandi.
Các kết quả về mặt chính trị của cuộc thăm dò mang nhiều tính gây tranh cãi hơn. 96% tán thành cách thức đáp ứng với vụ động đất của chính phủ Hoa Kỳ, và 88% tán thành các nỗ lực trợ giúp của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, những cảm nghĩ của người Mỹ gốc Haiti về chính phủ Haiti mang tính tiêu cực một cách rõ rệt. 60% nói rằng họ đồng ý với phát biểu rằng chính phủ Haiti gần như biến mất kể từ khi xảy ra vụ động đất, và 63% không tán thành cách thức Tổng thống Rene Preval đáp ứng với thiên tai này.
Đa số cũng nói rằng họ có thể ủng hộ Liên Hiệp Quốc hoặc một liên minh quốc tế nào khác quản lý mọi việc ở Haiti cho đến khi qua cơn khủng hoảng.
Nhân viên thăm dò Fernand Amandi nói ông nhận thấy thái độ đó trong giới người Mỹ gốc Haiti là đặc biệt bất ngờ:
Ông Amandi nói: “Họ là một cộng đồng rất hãnh diện, độc lập và yêu nước. Họ rất yêu mến nền độc lập và chủ quyền của họ. Thế mà cuộc thăm dò lại cho thấy rằng phần lớn người Mỹ gốc Haiti không quan ngại về sự hiện diện của nhiều binh sĩ Mỹ ở đảo quốc này.”
Một kết quả thăm dò khác cho thấy 46% người Mỹ gốc Haiti nói họ đồng ý với phát biểu rằng Haiti sẽ không bao giờ có khả năng tự trị. Tuy nhiên, gần như 41% bác bỏ ý kiến cho rằng Haiti là một quốc gia thất bại.
Ông Ricot Depuy, tổng giám đốc đài phát thanh Soleil d’Haiti, nêu ra điểm cuộc thăm dò được thực hiện chưa đầy 2 tuần sau vụ thiên tai, khi mà khả năng hoạt động của chính phủ cũng bị tổn thương một cách trầm trọng. Ông nói rằng phản ứng của mọi người vào thời điểm đó vẫn còn đầy xúc động.
Ông Depuy cho biết: “Vì vậy, đó có thể là dấu hiệu của sự thất vọng, họ sẵn sàng nói bất cứ điều gì bởi vì họ không muốn cộng đồng quốc tế dè dặt hay e ngại về việc đóng góp. Vì thế, đó là cách mà họ nói cho mọi người biết là họ sẵn sàng tiếp nhận tất cả mọi người. Bởi vì điều mà họ mong mỏi là sự trợ giúp.”
Ông Garry Pierre-Pierre, nhà xuất bản tạp chí Haitian Times, có trụ sở ở New York, đồng ý rằng các phản ứng tiêu cực có thể bị thúc đẩy bởi cảm xúc đối với vụ thiên tai, cũng như với sự yếu kém kéo dài của chính quyền Preval.
Ônbg Pierre nói: Đó là bằng chứng của sự thiếu vai trò lãnh đạo trong chính phủ Haiti. Tôi hiểu rằng họ thiếu các nguồn tài lực để làm nhiều thứ mà họ muốn làm. Nhưng, lãnh đạo không nhất thiết phải mang tính kỹ trị. Đó là khả năng thúc đẩy mọi người, khích lệ và động viên họ. Và tôi nghĩ trong một tình huống như thế, đó là điều cần thiết. Và chính phủ Haiti không làm như thế. Vì vậy, mà bất mãn chồng chất, và dân chúng trông chờ sự giúp đỡ ở những nơi khác.”
Tổng thống Preval của Haiti đáp lại cuộc thăm dò sau khi kết quả được công bố hồi tuần trước và nói rằng người ta ít thấy ông xuất hiện sau vụ động đất bởi vì ông mải lo làm việc để mưu tìm sự trợ giúp hầu ứng phó với tai họa.
Cuộc thăm dò Bendixen & Amandi, được thực hiện bằng tiếng Anh và tiếng Creole, được ủy nhiệm bởi tập đoàn New America Media, một nhóm đại diện cho 2500 cơ quan truyền thông sắc tộc.
Một cuộc thăm dò những người Mỹ gốc Haiti thực hiện ít lâu sau trận động đất ngày 12 tháng 1 ở Haiti cho thấy đại đa số hết sức không bằng lòng với cách thức chính phủ Haiti đáp ứng với thiên tai. Hầu hết nói rằng một sự tiếp quản tạm thời của Liên Hiệp Quốc hoặc một liên minh quốc tế là điều có thể chấp nhận được cho đến khi Haiti hồi phục. Thông tín viên VOA Carolyn Weaver tại New York ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1