Một bức thư chung từ các gia đình của 35 tù nhân lương tâm Việt Nam và một bức thư từ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã được gửi đến Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trước chuyến thăm của bà tới Hà Nội, trong đó kêu gọi bà can thiệp để nhà cầm quyền Việt Nam chấp thuận trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các thân nhân của họ.
Bức thư chung của 35 gia đình và bạn bè của các tù nhân lương tâm đề ngày 16/8 có đoạn: “Chúng ta có thể thấy quan hệ Việt-Mỹ sẽ không thể phát triển đầy đủ theo tiềm năng nếu nhà cầm quyền Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, và một Việt Nam tôn trọng các giá trị dân chủ và nhân quyền mới có thể là một đối tác vững mạnh, mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.”
“Vì vậy, chúng tôi hy vọng bà Phó Tổng thống nêu vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam trong các cuộc gặp với ban lãnh đạo Việt Nam trong chuyến viếng thăm sắp tới.”
“Chúng tôi mong đợi chuyến thăm của Bà đến Việt Nam sẽ là một trợ lực thiết thực cho người dân Việt Nam bình thường và thân nhân của chúng tôi trong việc xây dựng một nền tự do, dân chủ tại Việt Nam,” bức thư viết.
Phó Tổng thống Harris dự kiến sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 8, theo thông tin từ Nhà Trắng.
Tương tự, một bức thư khác từ các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam gửi bà Harris ngày 10/8 kêu gọi bà nhân chuyến thăm này nêu các vấn đề và giải pháp do Hội đề xuất về trường hợp của ba tù nhân là các thành viên của Hội bao gồm các nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, và Lê Hữu Minh Tuấn.
“Chúng tôi tìm mọi cách để vận động nhà nước Việt Nam phóng thích nhân đạo ba cá nhân kể trên, cho phép họ rời khỏi Việt Nam đến một quốc gia khác. Đặc biệt, việc phóng thích và cho ra nước ngoài có thể giúp ông Thuỵ điều trị bệnh theo các quy định của luật hiện hành,” bức thư viết.
Từ Hà Nội, bà Phạm Thị Lân, vợ của ông Nguyễn Tường Thụy, chia sẻ với VOA về kỳ vọng của bà khi ký vào bức thư gửi Phó Tổng thống Harris.
“Các thành viên trong Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam có viết thư cho Bà Phó Tổng thống, tôi đồng ý ký tên và tôi cũng kỳ vọng rằng Bà cũng sẽ lưu ý đến trường hợp của ông Thụy nhà tôi để can thiệp với chính quyền Việt Nam để đáp ứng được nguyện vọng của Hội và của các gia đình chúng tôi.”
Bà Lân cho VOA biết sức khoẻ của ông Thuỵ ngày một xấu đi, với trình trạng bị ghẻ, mất ngủ, suy nhược cơ thể và thường xuyên cần tù nhân khác trợ giúp trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày.
Ông Thuỵ đang thụ án 11 năm tù tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Phước. Ông bị bắt vào tháng 5/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Theo thống kê mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 260 tù nhân lương tâm trong những điều kiện vô cùng hà khắc, trong đó có 48 người bị cầm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” 56 người bị cầm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước,” 57 người bị giam cầm vì thực hành tự do tôn giáo và niềm tin, 27 người bị cầm tù vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Chính quyền Việt Nam bác bỏ việc giam giữ tù nhân lương tâm, nói rằng chỉ giam giữ những người “vi phạm pháp luật.”